“Mỗi sớm thức dậy thấy cha mẹ hối hả ép con ăn nhanh rồi vội đưa đến lớp mà thấy tội. Nắng thì đỡ, mưa nhiều gia đình không kịp đưa con đến lớp muộn giờ làm, nên phải nghỉ việc trông trẻ”. Từ thực tế này xã Khe Mo (Đồng Hỷ), một số hộ dân đã hiến, đổi đất, các nhà hảo tâm, doanh nghiệp góp công, góp của mở thêm điểm trường ở xóm Đèo Khế (gần khu dân cư) để bà con trong vùng vơi đi nỗi lo đưa trẻ đến lớp.
Niềm vui năm học mới 2018-2019 không chỉ đến với cô trò Trường Mầm non xã Khe Mo (Đồng Hỷ) mà còn là niềm vui chung của bà con địa phương bởi thêm một điểm trường mới được dựng lên kiên cố đón gần 100 trẻ khu vực xóm Đèo Khế (giáp ranh huyện Võ Nhai). Cô giáo Đàm Thị Hồng Thơ, Hiệu trưởng Nhà trường phấn khởi cho biết: “Xã có trên 300 trẻ trong độ tuổi đến trường, nhưng do địa hình miền núi giao thông khó khăn, dân cư phân bố không đều, nên việc đưa, đón trẻ đến lớp rất khó khăn và chất lượng nuôi, dạy trẻ thường không đạt yêu cầu theo chuẩn quy định. Để khắc phục tình trạng nay, Trường đã bố trí nhiều lớp, nhóm trẻ bằng cách mượn nhà văn hóa xóm ngay tại các khu dân cư để tổ chức lớp học suốt từ năm 2000 đến năm 2012. Chứng kiến cảnh phụ huynh đưa, đón trẻ 5-7km đến lớp học mà nhiều lúc cô giáo rơi nước mắt. Nhiều cháu bố mẹ bận đi làm công nhân khu công nghiệp, nhờ ông bà già còng lưng cõng cháu đi vài cây số đến lớp, chúng tôi rất thương. Nay có thêm điểm trường mới, việc đưa đón trẻ của phụ huynh thuận lợi hơn, chúng tôi cũng có thêm điều kiện về cơ sở vật chất để nâng cao chât lượng nuôi dạy trẻ”.
Bí thư Đảng ủy xã Phạm Xuân Trường là người đã nhiều năm gắn bó với địa phương nên rất quyết tâm đi “tìm đất” mở trường. Ông bảo: “Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2010-2015 đã đề ra nhiệm vụ, mục tiêu rất cụ thể đối với công tác giáo dục, trong đó đặc biệt coi trọng đến việc mở các điểm trường bằng nhiều giải pháp. Chúng tôi xác định kể cả huy động nhân dân đóng góp phân kỳ từng giai đoạn tạo nguồn lực để tìm đất, rồi đền bù, mua lại… Vị trí, địa điểm thì đã xác định, nhưng với một địa phương thuần nông, thu nhập bình quân mới đạt gần 22 triệu đồng/người/năm, hộ nghèo còn chiếm khoảng 18% thì việc huy động dân đóng góp rất khó khăn. Với phương châm bắt đầu từ vận động nhân dân, huy động mọi nguồn lực để thực hiện mục tiêu Nghị quyết, mục đích cuối cùng là phục vụ nhân dân lâu dài, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội… nên cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, đi đầu. Bản thân tôi và một số cán bộ chủ chốt của xã khi đó (năm 2015) cũng đã rất quyết tâm, sẵn sàng thế chấp Chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình để vay ngân hàng, ứng vốn trước cho địa phương thực hiện dự án đầu tư”.
Nhờ làm tốt công tác vận động, năm 2016, các gia đình ông Nguyễn Văn Dũng, Nguyễn Văn Hùng xóm Đèo Khế đã chủ động gặp lãnh đạo địa phương, Ban Giám hiệu Nhà trường đề đạt nguyện vọng được hiến cho địa phương trên 1.500m2 đất xây dựng điểm trường mầm non. Ông Dũng tâm sự: “Tôi biết thời buổi tấc đất, tấc vàng, nhưng chúng tôi đã cao tuổi, làm cũng không nổi. Các con cũng đã trưởng thành cả, lại thoát ly nông nghiệp, nên đất đai có mà để cho thuê, trong khi còn nhiều cháu nhỏ đang cần lớp học, tôi thấy cũng không đành lòng... Mỗi lần chuẩn bị năm học mới, tôi thấy tội nghiệp các cháu. Nhà thì ngược ra Quốc lộ 1B đi sang xã La Hiên (Võ Nhai) tìm chỗ thân quen gửi trẻ, nhà thì phân công người đưa đón theo lịch hàng tuần… Với lại, các con tôi cũng trưởng thành từ mái trường ở địa phương, được học hành tốt từ ban đầu mới có những bước tiếp sau này để trưởng thành. Cho đi là còn mãi nên gia đình tôi và gia đình ông Hùng cùng nhau cắt ra một phần đất vườn đồi trồng chè của gia đình tặng Nhà trường”.
Cùng với nhiều nguồn lực huy động khác nhau, công trình điểm trường mầm non Đèo Khế nhanh chóng được thi công trong năm 2017 với diện tích trên 500m2 cùng với hệ thống sân chơi, bãi tập rộng rãi đủ cho gần 100 trẻ của các xóm Đèo Khế, Thống Nhất, Long Giàn, Khe Mo 1, Làng Cháy… đến lớp hàng ngày. Cô giáo Nguyễn Thị Loan, phụ trách điểm trường cho biết thêm: “Khi xây dựng trường, giáo viên chúng tôi rất phấn khởi, mỗi người ủng hộ một tháng lương, có người ủng hộ 2 tháng lương để hỗ trợ xây dựng, mong các em có môi trường học tốt”. Được biết, địa phương cũng đã nhận được trên 230 triệu đồng hỗ trợ từ một số doanh nghiệp làm vận tải hàng hóa, chế biến kinh doanh chè, các hộ làm xây dựng, san lấp mặt bằng, đơn vị quân đội… Sự chung tay huy động nguồn lực xã hội hóa trong đầu tư cơ sở vật chất đã góp phần hoàn thiện các tiêu chuẩn trường chuẩn Quốc gia giai đoạn 2013-2016. Qua câu chuyện cùng các cô giáo, chúng tôi còn được biết, tháng 6-2018, Trường Mầm non Khe Mo chính thức được thẩm định và công nhận lại Trường chuẩn Quốc gia. Đây cũng chính là những nguồn lực từ phấn đấu đạt chuẩn đến giữ chuẩn Quốc gia.