Hiện nay, toàn tỉnh có 680 trường mầm non, tiểu học, THCS và THPT, trong đó có 554 trường, bằng 81,47% đạt chuẩn Quốc gia. Thực hiện Kế hoạch số 79-KH/TU của Tỉnh uỷ Thái Nguyên về thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành TW Đảng khoá XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tiến hành rà soát, xây dựng kế hoạch để dồn dịch các điểm trường và sáp nhập các trường có quy mô nhỏ.
Theo đó, trong năm nay 9 huyện, thành, thị đã xây dựng Đề án sáp nhập 42 trường mầm non, tiểu học và THCS thành 21 trường. 2 địa phương có số trường sáp nhập nhiều nhất trong năm nay, mỗi đơn vị sáp nhập 10 trường là T.P Thái Nguyên và huyện Võ Nhai; tiếp đến là thị xã Phổ Yên 6 trường; huyện Đại Từ, Định Hoá mỗi địa phương 4 trường; các huyện Phú Bình, Đồng Hỷ, Phú Lương, T.P Sông Công mỗi đơn vị 2 trường. Những trường trong kế hoạch sáp nhập đều là những trường có quy mô nhỏ, về điều kiện địa lý, giao thông, số lượng lớp/trường thấp. Khắc phục tình trạng trường, lớp quy mô nhỏ, chất lượng giáo dục chưa cao, từ đó có điều kiện tập trung đầu tư nguồn lực, đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên và cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục.
Tuy nhiên, tại văn bản số 3712/BGDĐT ban hành ngày 24-8 vừa qua, Bộ Giáo dục & Đào tạo cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành khi rà soát, sắp xếp tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông phải đảm bảo các nguyên tắc: Việc dồn dịch, sáp nhập các điểm trường, trường phải tạo thuận lợi cho người dân, đảm bảo quyền lợi học tập cho học sinh, phù hợp với quy hoạch, gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Chỉ sáp nhập các trường có quy mô nhỏ ở cùng địa bàn cấp xã; những trường tiểu học có quy mô dưới 10 lớp, xem xét ghép với các trường THCS trên cùng địa bàn; các xã có từ 2-3 trường tiểu học, xem xét sáp nhập thành 1 trường nhưng phải đảm bảo cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên. Khi sáp nhập hình thành trường nhiều cấp phải có phân khu riêng biệt cho từng cấp học, đảm bảo tính đặc thù…