Những ngày gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng liên tục đưa các thông tin về sự gian lận trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) Quốc gia năm 2018. Có lẽ chưa khi nào câu chuyện thi cử lại khiến cả xã hội hoang mang như kỳ thi THPT Quốc gia lần này. Việc điểm số bị “phù phép” đến chóng mặt tại điểm thi một số tỉnh như Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình gióng lên tiếng chuông báo động về công tác thi cử của ngành Giáo dục.
Hàng loạt tiêu cực mang tính “hệ thống” bị phanh phui tại một số địa phương. Chúng ta hãy thử hình dung, nếu như sự việc ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình không bị phát hiện thì điều gì sẽ xảy ra? Sự gian dối trong thi cử, học hành sẽ còn tiếp diễn như thế nào khi nào khi niềm tin của nhân dân vào Giáo dục và Đào tạo nước nhà bị đánh cắp. Cùng với đó là sự bất công quá đáng với những thí sinh có thực lực.
Không thể phủ nhận, mấy năm qua, nền giáo dục nước ta đã có những chuyển biến tích cực. Đặc biệt là việc gộp kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi Đại học thành một kỳ thi chung duy nhất - kỳ thi THPT Quốc gia. Đây là một sự kiện quan trọng của ngành Giáo dục nước nhà được tổ chức bắt đầu vào năm 2015: Là kỳ thi “2 trong 1”, thực hiện hai nhiệm vụ, tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng nhằm giảm bớt tình trạng luyện thi, học tủ, học lệch và giảm bớt chi phí.
Bước cải cách này là hết sức quan trọng và cần thiết cho nền giáo dục nước ta tiếp cận với quốc tế, đặc biệt là nền giáo dục Tây Âu và Mỹ. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện kỳ thi “2 trong 1” đã bộc lộ những hạn chế, bất cập. Với cách thức tổ chức thi ngay tại địa phương đã tạo ra tâm lý “sân nhà” nên dễ cho sự “chỉ huy” của những người có quyền tại địa phương, dễ dẫn đến tình trạng tiêu cực khi có thể.
Sai phạm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia tại một số tỉnh nêu trên giống như giọt nước tràn ly, làm đảo lộn tất cả những giá trị tốt đẹp mà ngành Giáo dục đã dày công vun đắp. Sau 4 năm triển khai hình thức thi “2 trong 1” với những khen chê, đặc biệt là sau sự cố tiêu cực tại một số tỉnh trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018 lần này đã bộc lộ những hạn chế trong công tác tổ chức thi, coi thi và chấm thi của ngành giáo dục thời gian qua; dấy lên sự nghi ngờ trong dư luận về hiệu quả thật sự của hình thức thi “2 trong 1”.
Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, phổ thông là bậc học phổ cập, kiến thức chỉ cần đạt chuẩn, không hạn chế về số lượng tốt nghiệp; nhưng đại học là đào tạo chuyên sâu vào một nghề, tính cạnh tranh cao, số lượng trúng tuyển là hữu hạn. Bởi vậy, việc tổ chức thi tốt nghiệp phổ thông nên trả về cho các tỉnh, điều này là hợp lý vì kỳ thi này không có tính chất cạnh tranh; đồng thời trả lại quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường đại học, cao đẳng. Nhiều phụ huynh cũng băn khoăn không biết nên thay đổi hay tiếp tục duy trì kỳ thi tích hợp này.
Thi cử từ xưa đến nay được coi là phép nước, phải xem xét hết sức cẩn trọng. Có thể nhận thấy kỳ thi đại học 3 chung diễn ra trước năm 2015 được coi là khách quan do cơ chế thi và chấm thi hoàn toàn do các trường đại học (những người không quen biết thí sinh và địa phương) tiến hành dưới sự điều hành chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Khi đó có hàng triệu bài thi, khó có thể nhận ra để thực hiện hành vi tiêu cực, nên sẽ giảm thiểu được tiêu cực trong thi cử. Có lẽ, đã đến lúc Bộ Giáo dục và Đào tạo nên nghiên cứu, xem xét thay đổi phương án tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia sao cho vừa giảm gánh nặng cho học sinh, gia đình và xã hội nhưng vẫn đảm bảo công bằng trong thi cử và đảm bảo các trường đại học, cao đẳng lựa chọn được người tài thực sự, lấy lại niềm tin của xã hội ở kỳ thi quan trọng này.
Liên quan đến những sai phạm trong quá trình chấm thi THPT Quốc gia năm nay tại một số địa phương làm chấn động dư luận xã hội, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo cần có thái độ cương quyết trong xử lý sai phạm, yêu cầu Bộ Công an, các bộ, ngành, địa phương liên quan vào cuộc, điều tra xem xét, xử lý đúng người đúng tội để lấy lại niềm tin của người dân. Thật nguy hiểm nếu như những con người không có tài, không có đức “lọt qua” các cửa để giữ những vị trí quan trọng của xã hội? Cả xã hội mong muốn trả lại sự trung thực cho ngành Giáo dục và tính thiết thực, hiệu quả mà kỳ thi mang đến.