Mỗi lớp học trồng một vườn rau sạch; mỗi thầy, cô chủ nhiệm như một mẹ nuôi. - Đó là cách tổ chức và giáo dục học sinh thực hiện chủ động kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) ở Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Đồng Hỷ.
Năm học mới đã đi vào hoạt động nề nếp, cũng là lúc những vườn rau trong Trường phủ lá xanh mướt và đến kỳ thu hoạch để phục vụ bữa ăn hàng ngày cho trên 240 học sinh. Thầy giáo Nguyễn Đức Lợi, Hiệu trưởng Nhà trường cho chúng tôi biết: Đặc thù là trường dân tộc nội trú nên hầu hết đối tượng là học sinh vùng khó khăn và gia đình thuộc diện hộ nghèo, vì vậy nhiệm vụ của Trường không chỉ dạy học mà còn chăm lo cải thiện đời sống cho học sinh khi các em phải sống xa nhà. Nếu như với mức ăn bình quân mỗi bữa chính (trưa và tối) theo chế độ quy định chỉ đạt 18.000đ/suất, thì sẽ có nhiều em ăn không đủ chất, hoặc không đủ no nên Nhà trường đã tổ chức mô hình tự tăng gia để cải thiện dinh dưỡng bữa ăn, ngoài ra còn để gây quỹ hỗ trợ các hoạt động ngoại khóa, hỗ trợ trang trải các sinh hoạt phí cá nhân hàng này cho mỗi học sinh.
Với diện tích trên 700m2 được tận dụng từ đất ven tường rào, quanh khu nội trú để trồng rau. Nhà trường đã phát động phong trào thi đua lao động, sản xuất, tăng gia rau an toàn giỏi trong toàn thể đội ngũ giáo viên và học sinh, coi đó là một trong những chỉ tiêu học tập kỹ thuật và rèn luyện đạo đức trong mỗi học sinh nên đã tạo ra phong trào thi đua sôi nổi.
Thầy Lợi nhớ lại: “Năm 2013, khi mới thành lập Trường, tất cả mặt bằng đều là đất đá vì san gạt từ đồi ra. Tập thể giáo viên cùng các em học sinh đã dành mỗi ngày 30 phút đi gùi, gánh, chở từng bao tải đất màu từ các khu dân cư gần Trường về để tạo vườn rau. Sau một học kỳ, Trường đã có vườn rau sạch. Các thầy, cô giáo là người trực tiếp hướng dẫn học sinh đánh luống, dẫn nước về vườn và thao tác gieo ươm, trồng từng loại rau theo đúng kỹ thuật và thời vụ. Mặc dù là học sinh nông thôn, nhưng hầu như các em chưa được làm quen với việc thâm canh rau theo đúng kỹ thuật, nhất là làm rau sạch càng cần có kỹ thuật cao hơn. Chính vì vậy, hoạt động trồng rau sạch vừa cải thiện đời sống, lại vừa hướng dẫn thêm cho học sinh kỹ thuật canh tác nông nghiệp sạch”.
Cô giáo Tống Thị Huệ, Phó Hiệu trưởng Nhà trường chia sẻ: Từ năm 2015 đến nay, mỗi năm, Nhà trường tăng gia và bán rau sạch được từ 50-60 triệu đồng. Riêng năm 2017, học sinh trồng rau sạch bán được trên 37 triệu đồng, còn giáo viên tăng gia thêm cũng được gần 30 triệu đồng. Có những vụ rau, thu được trên 100 cây cải bắp đạt trọng lượng trên 3,2kg/cây, su hào đạt 1,6kg/củ… Đối với giáo viên, nhất là giáo viên chủ nhiệm, không chỉ sát sao với lớp, với học sinh trong học tập và sinh hoạt hàng ngày, các thầy, cô giáo còn hướng dẫn và cùng học sinh chế biến thêm các món ăn khác từ rau sạch, như: Nộm, dưa chua, làm sinh tố…
Được biết, với hình thức tổ chức vừa tự túc sản xuất rau an toàn, vừa kết hợp giáo dục kỹ thuật và rèn luyện đạo đức, kết hợp xây dựng phong trào thi đua, liên tục từ năm học 2015-2016 đến nay, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Đồng Hỷ đã hoàn toàn chủ động rau xanh an toàn, không phải mua ngoài thị trường. Đây chính là điểm sáng về kiểm soát ATVSTP cũng như nêu cao tính tự chủ, khắc phục khó khăn để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện tại môi trường nôi trú.