Các trường đại học Việt Nam phải đổi mới công tác bồi dưỡng đội ngũ giảng viên của mình mới đáp ứng yêu cầu hội nhập, giữ vai trò quan trọng trong nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút người học, khẳng định vị trí của đại học Việt Nam trong cộng đồng quốc tế.
Chất lượng vẫn là câu hỏi lớn
Công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế đã tác động sâu sắc đến mọi lĩnh vực, đặc biệt là giáo dục. Giáo dục nói chung và giáo dục ở bậc đại học nói riêng đang đứng trước những thách thức lớn. Những nhược điểm của giáo dục ở bậc đại học đang bộc lộ ra rất rõ với sự bất cập về chương trình, sự non yếu về đội ngũ giảng viên về số lượng và trình độ, cơ sở vật chất lạc hậu… Trong khi đó sự bùng nổ về thông tin các trường đại học có chất lượng trong khu vực và trên thế giới đã làm gia tăng sự lựa chọn học sinh Việt Nam với những “cơn bão” du học.
Chính vì vậy, các trường đại học của Việt Nam phải thay đổi, trong đó đổi mới công tác bồi dưỡng đội ngũ giảng viên đại học là rất quan trọng. Đội ngũ giáo viên chính là lực lượng nòng cốt góp phần nâng cao chất lượng đào tạo tại các trường đại học.
Theo TS. Nguyễn Thu Hạnh, Đại học Thủ đô Hà Nội, hiện nay, việc tuyển dụng giảng viên có trình độ chuyên môn giỏi ở trong và ngoài nước tham gia giảng dạy tại các cơ sở đào tạo còn nhiều khó khăn do chính sách thu hút chưa đủ mạnh. Cơ chế quản lý và sử dụng cán bộ chưa tạo động lực để thu hút cán bộ giỏi về làm việc.
Công tác bồi dưỡng, quy hoạch và phát triển đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý chưa được quan tâm đồng đều trong toàn hệ thống. Chất lượng đội ngũ giảng viên vẫn còn là dấu hỏi lớn khi nhiều cán bộ giảng viên không tham gia nghiên cứu khoa học, chưa có bài đăng trên tạp chí khoa học trong nước và nước ngoài, trình độ ngoại ngữ còn hạn chế. Theo TS. Nguyễn Thu Hạnh, dù số công trình của các giảng viên đại học Việt Nam được công bố trên tạp chí khoa học quốc tế ISI trong 5 năm qua tăng khoảng 20%/năm nhưng con số này chỉ bằng 1/3 Thái Lan, 1/4 của Malaysia và 1/5 của Singapore. Điều này đặt ra thách thức lớn về năng lực nghiên cứu và đánh giá xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam.
Nhiều cơ sở đào tạo chưa chú trọng đến kế hoạch xây dựng và phát triển nguồn giảng viên trẻ kế cận cũng như việc bồi dưỡng tạo nguồn giảng viên gửi đi đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài.
Giải pháp nâng cao chất lượng giảng viên đại học
TS. Nguyễn Thu Hạnh cho rằng đổi mới công tác bồi dưỡng đội ngũ giảng viên của các trường đại học ở Việt Nam chỉ thành công khi có sự đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý như tạo ra môi trường tự do học thuật, sử dụng các kết quả nghiên cứu khoa học để đánh giá đội ngũ giảng viên, nâng cao năng lực tư duy phản biện và tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học giữa các trường đại học của Việt Nam với các trường đại học trong khu vực và trên thế giới.
Môi trường cho sự tự do nghiên cứu học thuật để mỗi giảng viên có thể tự phát huy năng lực nghiên cứu của mình qua nhiều cách thức khác nhau là rất quan trọng. Các giảng viên được tự do phát huy trí tuệ cho những đề tài khoa học tâm huyết, từ đó nâng cao năng lực của mỗi giảng viên và chất lượng của sản phẩm khoa học. Cần tạo ra nhiều diễn đàn cho giảng viên tham gia nghiên cứu như thành lập viện nghiên cứu, từ đó kéo các đề tài, dự án từ doanh nghiệp, nước ngoài, tài trợ… để cho giảng viên tham gia, tổ chức buổi Hội thảo khoa học trong nước, ngoài nước để giảng viên báo cáo tham luận.
Bên cạnh đó, TS. Nguyễn Thu Hạnh cho rằng cần xây dựng mối quan hệ hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học. Việc hợp tác quốc tế cho phép giảng viên các trường đại học nâng cao kỹ năng giao tiếp trong khoa học cũng như tiếp cận được các vấn đề nghiên cứu mang tầm khu vực và thế giới. Người giảng viên sẽ được tiếp cận với nguồn kinh phí đa dạng hơn từ Chính phủ, các trường đại học của thế giới, tiếp xúc được với nhiều đồng nghiệp quốc tế.
Việc hợp tác quốc tế cũng giúp các giảng viên dễ dàng hơn trong việc công bố các kết quả nghiên cứu của mình trên các tạp chí quốc tế. Chỉ số về nghiên cứu khoa học tăng cũng giúp các trường đại học Việt Nam thăng hạng trong môi trường giáo dục đại học quốc tế.
Các trường đại học sẽ được hưởng lợi từ việc hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học thông qua hiệu ứng lan truyền từ người giảng viên sang các đồng nghiệp và các sinh viên trong trường. Tên tuổi của trường cũng được biết đến đến nhiều hơn, số lượng sinh viên nhập học và nguồn kinh phí cũng sẽ tăng.
Để phát triển các mối quan hệ hợp tác quốc tế, các trường đại học nên dành một ngân quỹ hỗ trợ cho các giảng viên có mối quan hệ hợp tác quốc tế để giúp họ duy trì và mở rộng các mối quan hệ này thông qua việc gửi giảng viên đi học, tham gia các hoạt động hội thảo quốc tế, các chương trình trao đổi giảng viên hay thậm chí chia sẻ tài liệu qua hệ thống cơ sở dữ liệu trên internet, từ đó tạo ra môi trường học thuật quốc tế thuận lợi cho đội ngũ giảng viên của các trường đại học.