Năm học mới thêm niềm tin và hy vọng mới

07:10, 05/09/2018

Hôm nay (5-9), cùng với cả nước, hơn 290 nghìn học sinh (HS) và 17.700 giáo viên các cấp học trên địa bàn tỉnh sẽ chính thức khai giảng và bước vào năm học mới 2018-2019. Bao giờ cũng vậy, ngày khai trường là ngày hội thiêng liêng của đời HS, là ngày khởi đầu của biết bao kỳ vọng mới. Những trang sách, kiến thức mới được truyền dạy từ thầy, cô giáo như một lớp phù sa cứ mỗi ngày một dày hơn trong hành trang bước vào đời của các em HS, để mỗi ngày đến trường là một ngày vui.

Những năm qua, dù điều kiện còn khó khăn nhưng tỉnh ta luôn dành phần ngân sách kịp thời cho lĩnh vực giáo dục, xem giáo dục là quốc sách hàng đầu. Người người, nhà nhà đều chú trọng việc học tập của con em mình. Hiểu rõ sứ mệnh và trọng trách này, ngành Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) đã có nhiều cố gắng, triển khai nhiều giải pháp để tiếp tục đổi mới công tác quản lý, phương pháp dạy học có hiệu quả. Những yếu kém, hạn chế, bệnh thành tích và sự bất cập làm trì trệ ngành GD-ĐT cũng được chỉ ra thẳng thắn. Đại đa số các thầy, cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tụy, hết lòng vì HS. Gia đình, nhà trường và xã hội cùng chung tay tạo điều kiện thuận lợi, môi trường giáo dục tốt nhất có thể cho bao lớp học trò. Nhiều thế hệ HS, sinh viên nỗ lực học tập, rèn luyện để xứng đáng làchủ nhân tương lai của đất nước. Các cấp học đều được quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, từng bước đáp ứng nhu cầu học tập của xã hội, thu hẹp dần khoảng cách về điều kiện và chất lượng học tập ở các vùng, miền.

Chuẩn bị bước vào năm học mới 2018-2019, toàn ngành GD-ĐT tỉnh đã được đầu tư trên 469 tỷ đồng để nâng cấp cơ sở vật chất, điều kiện học tập tại các trường, trong đó có trên 200 tỷ đồng đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống các trường nội trú, bán trú, giúp các em HS ở vùng cao có điều kiện học tập tốt hơn; trên 20 tỷ đồng đầu tư xây dựng 33 phòng học kiên cố, xóa phòng học tạm ở các địa phương vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt, các địa phương, nhà trường cũng đã thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa giáo dục, vận động được nhiều doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, nhà hảo tâm tự nguyện hiến đất, tặng trang thiết bị trường học và đầu tư nâng cấp các phòng học, nhằm bảo đảm chất lượng môi trường sư phạm đạt chuẩn Quốc gia.

Đến nay, toàn tỉnh đã có 554/680 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 81,47%, vượt 5,47% so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra giai đoạn 2016-2020. Các nhóm trẻ, HS trong độ tuổi đến trường đều đạt cao, không còn tình trạng trẻ em thất học, đồng thời tiếp tục duy trì kết quả phổ cập tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập THCS. Đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cũng không ngừng được nâng cao trình độ chuyên môn. Đến nay, tỷ lệ cán bộ quản lý và giáo viên toàn tỉnh đạt chuẩn 100%, tỷ lệ cán bộ quản lý và giáo viên trên chuẩn đạt cao: Giáo viên mầm non đạt trên 76%; tiểu học đạt 94,76%; THCS đạt 84,89%; THPT đạt gần 30%.

Đối với hoạt động chuyên môn, các trường phổ thông đã chủ động đổi mới phương pháp dạy và học, gắn học tập với hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Trong năm học 2017-2018 đã có nhiều trường THCS, THPT tổ chức cho HS tham gia nghiên cứu khoa học tại các cơ sở sản xuất, các khoa, trường thuộc Đại học Thái Nguyên. Có 92 dự án thuộc 18 lĩnh vực (trong đó có 60 dự án cấp THPT, 32 dự án cấp THCS), đại diện cho 40 đơn vị tham dự Cuộc thi khoa học kỹ thuật (KHKT) cấp tỉnh, kết quả: Giải Nhất có 5 dự án; giải Nhì: 12 dự án; giải Ba: 22 dự án; giải Khuyến khích: 24 dự án. Ban Tổ chức đã chọn 11 dự án tham gia vòng phỏng vấn để chọn 6 dự án tham gia vòng thi toàn quốc vào tháng 3-2018, kết quả 3/6 dự án đạt giải cấp Quốc gia (trong đó có 2 giải Ba và 1 giải Tư). Kỳ thi chọn HS giỏi cấp tỉnh các môn văn hóa lớp 9, 10, 11, 12 có gần 4.800 HS đạt giải. Kỳ thi chọn HS giỏi cấp Quốc gia, Sở GD-ĐT đã chọn 90 em tham gia 12 đội tuyển năm 2018. Kết quả, Đoàn của tỉnh Thái Nguyên đạt 51 giải (1 giải Nhất, 7 giải Nhì, 17 giải Ba, 26 giải Khuyến khích) trong kỳ thi này. Tỷ lệ HS dự thi đoạt giải của Thái Nguyên là 56%, cao hơn so với mặt bằng chung của toàn quốc (toàn quốc xấp xỉ 50%). Đồng thời, tỉnh Thái Nguyên là một trong những đơn vị đứng thứ hạng cao về số lượng giải HS giỏi quốc gia trong các tỉnh thuộc cụm thi đua. Kết quả Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018, toàn ngành GD-ĐT đã tổ chức nghiêm túc, an toàn, đúng quy chế và toàn tỉnh đạt 97,36% HS tốt nghiệp.

Năm học 2018-2019, toàn ngành GD-ĐT tiếp tục thực hiện mục tiêu “Đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI. Đồng thời, các trường, cơ sở giáo dục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, hiệu quả; triển khai các hoạt động đổi mới giáo dục, tăng cường cơ sở vật chất cho các trường học; bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục theo các chuyên đề nhằm đáp ứng nhu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT; thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách cho HS, sinh viên và nhà giáo; tập trung xây dựng môi trường cảnh quan sư phạm xanh - sạch - đẹp, an toàn; tăng cường thanh tra, kiểm tra chức trách, nhiệm vụ của người đứng đầu các cơ sở giáo dục để kịp thời chấn chỉnh việc quản lý, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ về giáo dục, giữ gìn đạo đức nhà giáo; đẩy mạnh cải cách hành chính trong trường học, sắp xếp lại các trường học theo hướng gọn nhẹ bộ máy và tổ chức mô hình trường học nhiều cấp; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong quản lý và giảng dạy...

Những kết quả đạt được trong năm học 2017-2018 chắc chắn sẽ là động lực tiếp tục nâng cao chất lượng dạy và học của mỗi trường trong năm học mới 2018-2019, đồng thời củng cố niềm tin với xã hội về mục tiêu phát triển giáo dục đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.