Năm nào cũng vậy, mỗi dịp đầu năm học mới vấn đề lạm thu lại khiến dư luận xã hội “nóng” lên. Mặc dù các cơ quan quản lý, cơ quan chức năng đã vào cuộc và có nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra, đồng thời đã có hình thức ngăn ngừa kịp thời, nhưng vẫn còn có những quan điểm chưa rõ ràng giữa chủ trường xã hội hóa giáo dục và lợi dụng xã hội hóa giáo dục để vận động các khoản thu bất hợp lý.
Có thể nói, khi ngân sách Nhà nước còn hạn chế, việc huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư, nâng cao điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục là chính đáng và hết sức cần thiết. Nếu như không huy động xã hội hóa giáo dục thì ngành Giáo dục Thái Nguyên sẽ không thể có những con số như hôm nay: Toàn tỉnh đã có 554/ 680 trường đạt chuẩn Quốc gia, đạt tỷ lệ 81,47%, vượt 5,47% so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra giai đoạn 2016-2020. Các nhóm trẻ, học sinh trong độ tuổi đến trường đều đạt cao, không còn tình trạng trẻ em thất học, đồng thời tiếp tục duy trì kết quả phổ cập tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập THCS. Đặc biệt, toàn tỉnh đã có 219/228 trường tiểu học đạt chuẩn Quốc gia, đạt tỷ lệ 96,05% (có 32 trường tiểu học đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2); gần 80% trường mầm non đạt chuẩn Quốc gia.
Mỗi năm ngành Giáo dục nhận được từ 20-30 tỷ đồng từ các tổ chức từ thiện, hỗ trợ xây dựng trường lớp. Đặc biệt, nhiều địa phương đã vận động nhân dân ủng hộ hàng chục nghìn mét vuông đất tạo mặt bằng xây dựng trường học, điểm trường tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh trong độ tuổi đều được đến trường và chống thất học. Điển hình như: Trường Mầm non Phú Đình, Định Biên (Định Hóa) huy động được gần 20 tỷ từ nguồn hỗ trợ ngoài ngân sách Nhà nước để xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia.
Tuy nhiên, những người thực hiện chủ trương lại chưa hiểu đúng về kêu gọi xã hội hóa trong giáo dục, dẫn tới bị hiểu sai bản chất. Ví dụ, nhà trường “ủy quyền” cho Hội phụ huynh vận động thực hiện thu các khoản như: tiền lắp điều hòa trong lớp học; tiền thuê lao công dọn vệ sinh công cộng và phòng học; tiền nước uống hàng ngày (thực tế lượng nước uống cùng lúc không đáp ứng đủ cho hàng trăm học sinh); thu tiền photo đề bài kiểm tra; mua tài liệu bổ sung… Đây là lý do ở một số địa phương, nhất là người đứng đầu các cơ sở giáo dục đã thực hiện chưa đúng quy định, dẫn đến tình trạng áp đặt, cào bằng để thu tiền.
Ông Đào Xuân Tân, Chánh Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết: Để hạn chế lạm thu đầu năm, ngay từ 3-8-2018, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 16/2018/TT-BGDĐT Quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục Quốc dân. Trong đó, quy điịnh rất cụ thể việc tài trợ phải đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, công khai, minh bạch, không ép buộc, không quy định mức tài trợ bình quân, không quy định mức tài trợ tối thiểu, không lợi dụng việc tài trợ cho giáo dục để ép buộc đóng góp và không coi huy động tài trợ là điều kiện cho việc cung cấp dịch vụ giáo dục, đào tạo. Việc vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng các khoản tài trợ phải được công bố, niêm yết công khai. Khuyến khích các nhà tài trợ tự tổ chức thực hiện việc đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị và lắp đặt hoàn chỉnh để bàn giao cho cơ sở giáo dục theo sự thỏa thuận và hướng dẫn của cơ sở giáo dục. Cơ sở giáo dục được vận động, tiếp nhận các khoản tài trợ để thực hiện các nội dung sau: Trang bị thiết bị, đồ dùng phục vụ dạy và học; thiết bị phục vụ nghiên cứu khoa học; cải tạo, sửa chữa, xây dựng các hạng mục công trình phục vụ hoạt động giáo dục tại cơ sở giáo dục; hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học trong cơ sở giáo dục.
Không vận động tài trợ để chi trả: Thù lao giảng dạy; các khoản chi liên quan trực tiếp cho cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên và nhân viên, các hoạt động an ninh, bảo vệ; thù lao trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; thù lao duy trì vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; các chi phí hỗ trợ công tác quản lý của cơ sở giáo dục.
Từ thực tế này, để chấm dứt tình trạng lạm thu, việc thu lợi dụng danh nghĩa Hội cha mẹ học sinh, tạo ra môi trường giáo dục trong sạch, lành mạnh thì cần có sự chịu trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục địa phương. Bên cạnh đó, Ban đại diện Hội cha mẹ học sinh và phụ huynh cần hiểu đúng về huy động các nguồn thu từ xã hội.