Ngày 16-10 tại Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên), Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam phối hợp cùng Bộ GD&ĐT tổ chức Hội thảo “Vai trò của trường đại học với việc học tập suốt đời của người lớn”.
Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam (thứ hai từ phải sang) cùng các đại biểu dự Hội thảo tham quan mô hình dạy học và ứng dụng tích hợp các môn khoa học tự nhiên tại Trường Đại học Sư phạm.
Tham dự Hội thảo có đại diện Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận Trung ương, Uỷ ban MTTQ Việt Nam, đại diện các trường đại học thuộc Đại học Thái Nguyên và nhiều trường đại học phía Bắc.
Về phía tỉnh Thái Nguyên, đồng chí Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã đến dự và tham luận tại Hội thảo.
Tại Hội thảo, GS.TS Nguyễn Thị Doan đã lược dẫn truyền thống hiếu học thông minh, sáng tạo và cần cù của dân tộc Việt Nam. Đặc biệt là Bác Hồ, Người là tấm gương sáng ngời cho chúng ta noi theo về tinh thần học tập.
Theo GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Trung ương Hội khuyến học: Sự phát triển của nước ta và quốc tế hiện có khoảng cách lớn về trình độ quản lý, trình độ chuyên môn, chất lượng nguồn nhân lực của chúng ta nhìn chung còn thấp, chưa đáp ứng kịp thời những thay đổi nhanh chóng của khoa học công nghệ hiện nay. Các trường đại học của chúng ta, ngoài nhiệm vụ chính là đào tạo và nghiên cứu khoa học, là nơi cung cấp nguồn nhân lực cần thiết để phục vụ yêu cầu tất cả các khu vực kinh tế - xã hội.
Song với nguồn tri thức và tài nguyên tri thức dồi dào giáo dục đại học còn có nhiệm vụ quan trọng là tạo ra các cơ hội cho mọi người học tập suốt đời, bồi dưỡng tri thức mới, không ngừng nâng cao trình độ, hiểu biết của bản thân để phục vụ nhu cầu công tác hoặc nhu cầu phát triển của xã hội. Như vậy các trường đại học phải là nơi giúp giải quyết các vấn đề cốt lõi trong phát triển đất nước và phục vụ nhu cầu học tập suốt đời của mọi đối tượng không chỉ tại trường mà ở các Trung tâm giáo dục thường xuyên, Trung tâm học tập cộng đồng, tại các doanh nghiệp...
Hội thảo đã nhận được 22 tham luận của lãnh đạo các trường đại học khu vực phía Bắc và các Hội khuyến học các tỉnh, thành phố, trong đó đề cập đến cơ chế, chính sách và tương tác giữa nhà khoa học với nhu cầu xã hội học tập qua nhiều kênh tiếp cận khác nhau. Bên cạnh đó một số ý kiến cũng đề cập đến tính hiệu quả và thực tế giữa công nghệ mới và tri thức nâng cao phải gắn với nhu cầu, điều kiện và hoàn cảnh tiếp cận của người lớn, người cao tuổi…
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng chỉ ra những vấn đề mà chính quyền địa phương và các trường đại học cần có sự gắn kết và phải tạo ra môi trường học tập cộng đồng. Trước hết, các trường phải có tổ chức Hội khuyến học và có nội dung, chương trình, tài nguyên, học liệu phong phú, thiết thực, đáp ứng nhu cầu người học. Đối với chính quyền địa phương, bên cạnh việc tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, cần có sự phối hợp chặt chẽ và xây dựng những chương trình học theo nhu cầu cho từng vùng, từng địa phương và từng thời điểm thích hợp. Về chủ trương, cần quan niệm đúng đắn về việc học tập suốt đời của người lớn không thuần túy là học để lấy văn bằng, chứng chỉ, mà học để bồi đắp thêm kiến thức và tri thức mới trong bối cảnh khoa học và công nghệ phát triển mạnh mẽ.