Niềm vui của những người làm công tác giáo dục trẻ khuyết tật nhiều khi vô cùng đơn giản. Đó là học sinh của họ có thể viết được con chữ, đủ kỹ năng tự phục vụ bản thân, chịu ngồi yên nghe và hiểu đôi lời cô nói…
Có thể cảm nhận ngay điều này khi đọc những dòng viết xúc động của học sinh Đinh Thu Ngân, lớp 11, Trường THPT Đồng Hỷ, khi viết về mẹ mình là giáo viên dạy Trường Giáo dục và Hỗ trợ trẻ em bị thiệt thòi tỉnh: “Cũng lên lớp, cũng soạn bài như bao giáo viên các trường khác, nhưng học sinh của mẹ thật đặc biệt. Trong một không gian im ắng của lớp khiếm thính, hầu hết học sinh đều bị câm, điếc bẩm sinh, mẹ không truyền đạt kiến thức đến học sinh bằng giọng nói ấm áp, truyền cảm mà mẹ dùng đôi bàn tay, thậm chí có khi còn dùng cả biểu cảm khuôn mặt. Những con số, những chữ cái, những kiến thức cơ bản trong chương trình phổ thông đều có những ký hiệu khác nhau dù đôi tay có mỏi nhưng vì sự đam mê, lòng nhiệt huyết với nghề, tình yêu thương học sinh, mẹ quên hết tất cả mà chuyên tâm vào giảng dạy… Với học sinh khiếm thị, không bảng đen phấn trắng, mẹ là người đem ánh sáng tri thức, ánh sáng cuộc đời thổi vào trong cuộc sống của học sinh bằng chữ nổi Braille. Mẹ đã đưa các trò của mẹ bước ra khỏi bóng tối của số phận, xóa bỏ mặc cảm của bản thân để hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn”.
Trong một môi trường giáo dục “đặc biệt” - Trường Giáo dục và Hỗ trợ trẻ em bị thiệt thòi tỉnh, với gần 300 học sinh khuyết tật, có độ tuổi từ 5 đến 18, trong đó có 133 học sinh nội trú và 134 học bán trú, nhưng có đến hơn 100 học sinh trong diện chậm phát triển, biểu hiện đặc trưng tăng động, trầm cảm… thì công việc dạy học của giáo viên chính là vừa dỗ, vừa dạy. Cô giáo Nguyễn Thị Kim Nhung, Hiệu trưởng Nhà trường chia sẻ: “Đa số học sinh đến đây trong hoàn cảnh gia đình không còn cách nào khác và đa số thuộc diện hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, cuộc sống éo le. Chính vì vậy, vai trò giáo dục của Nhà trường là phải khơi gợi cảm xúc, tình cảm cho mỗi học sinh. Việc dạy dỗ các em thành người, mai sau có thêm nhiều cơ hội hòa nhập cộng đồng và lo cho tương lai bản thân mới là quan trọng. Mỗi giáo viên một phong cách, nhưng không thể dạy học bình thường được, mà phải lồng ghép rất nhiều vào các hoạt động ngoại khóa. Đêm về, trong các phòng ngủ của nhóm trẻ chậm phát triển, Nhà trường luôn bố trí một giáo viên ngủ cùng các em, để chăm giấc ngủ cho từng học sinh. Bởi vậy, giờ học giáo viên là cô giáo, hết giờ là mẹ của các em”.
Cô Nguyễn Thị Minh Phương, giáo viên của Nhà trường cho biết: “Học sinh rất tình cảm, khi gọi cô, khi gọi mẹ rất đỗi thân thương, nhưng dạy bảo các em thì rất khó. Mỗi em một tính, lại có nhiều biểu hiện tâm lý, tình cảm và bất thường, cách tiếp nhận thông tin cũng khác nhau… Em nào cũng biết quý cô và thường gọi mẹ, nhưng viết được chữ cô và mẹ thì phải mất hai đến ba tuần. Tôi rất nhớ kỷ niệm một em học sinh ăn cơm tối xong trèo rào ra ngoài, cả trường đi tìm khắp nơi không được. Tôi nhớ lại em đang luyện và đã viết được chữ “MẸ” nên muốn tìm cô giáo để báo tin vui. Linh tính mách bảo tôi quay về nhà thì gặp em ngoài ngõ đang loay hoay tìm địa chỉ. Đêm đã khuya, tôi lao vội đến ôm em vào lòng, trực òa khóc vì đã tìm được em. Nhưng hạnh phúc hơn cả là em đã dành trọn tình cảm cho cô giáo và coi cô giáo như chính người mẹ hiền, người mà mỗi tối đến Trường trực vẫn vỗ về giấc ngủ cho các em. Giờ đây, khoảng cách về ngôn ngữ giữa giáo viên với học sinh không còn quá xa lạ, mỗi lần nhìn ánh mắt các em, chúng tôi có thể hiểu được phần nào các em đang muốn và ao ước điều gì”.
Còn cô Nguyễn Thị Ngọc Hà, giáo viên dạy hướng nghiệp nghề may của Trường thì tâm sự: “Năm nào các cô cũng rất vui đón nhận quà tặng nhân ngày Nhà giáo Việt Nam từ các em. Dù chỉ là những bông hoa khô từ giấy, vải vụn, hay bức tranh thêu lên nền vỏ gối, khăn tay… nhưng đó chính là hạnh phúc và thành quả của một quá trình dạy và học lắng đọng đầy mồ hôi, nước mắt của cô và trò”.
Cô cho biết thêm: “Dạy học sinh khuyết tật là lúc nào cũng phải vui cười, động viên, khích lệ. Chỉ một cử chỉ không vui, ánh mắt dò xét, thiếu thiện cảm là vô tình đẩy các em đến ngay tận cùng sự bế tắc. Và kết quả nhận lại chính là sự bất hợp tác, sự phá phách, tự kỷ, trầm cảm từ học sinh. Vì vậy, mọi hoạt động chỉ toàn tâm, toàn ý vào sự cố gắng. Cố gắng để các em hiểu cho đúng, làm cho đúng và phân biệt được đúng, sai trong các hành vì, suy nghĩ hàng ngày. Muốn vậy thì giáo viên phải luôn đúng mực, là chỗ dựa tinh thần cho các em”.
Nhiều năm dạy trẻ khuyết tật, có không ít học sinh khiến giáo viên rơi nước mắt khi nghĩ đến, vì thương và cả vì tự hào. Cô Nguyễn Thị Minh Phương thương nhất là Quang Quý - một học sinh bị hội chứng down. Dù đã 13 tuổi nhưng ngay cả việc vệ sinh cá nhân Quý cũng không làm được. Quý cứ đến giờ học lại chui xuống gầm bàn; cô giáo phải tìm đủ mọi cách dỗ dành, ngồi cạnh hàng tuần mới có thể nhận được mặt chữ O, vài tháng kiên trì cô mới giúp Quý nhận biết được các chữ cái…
Còn cô Nguyễn Thị Ngọc Hà thì phụ trách 2 lớp gần 40 học sinh. Mỗi em có một tên riêng, nhưng khi gọi thì không ai biết vì khiếm thính. Vì vậy, tên các em chính là những ký hiệu từ đôi bàn tay biểu cảm của cô mỗi khi ra hiệu để gọi. Khi vào trường được 3 năm, lớp cô Hà phụ trách có một học sinh nam đã 16 tuổi. Đang trong giờ học, học sinh này trốn cô chạy ra đường quốc lộ. Không đuổi kịp, cô đành nhờ một thanh niên đi xe máy đuổi theo nhưng cũng không đưa được cậu học sinh về. Thế là cô trò như chơi đuổi bắt, đến khi học sinh mệt, ngồi xuống lòng đường, cô mới tìm cách dỗ dành về lớp. Vậy mà 14 năm công tác, cô đã có trên 30 học sinh trở thành thợ may lành nghề và được nhận vào làm việc tại các công ty may trên địa bàn tỉnh. Cô rất vui khi nhận được tin từ Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG thông báo có nhiều em học sinh đã nhận được mức lương từ 7-9 triệu đồng/tháng.
Công việc vất vả là vậy, nhưng có lẽ những nụ cười, ánh mắt vui tươi và cả những bông hoa giản dị cùng lời chào cô và mẹ đã tạo động lực cho nghề giáo viên dạy học sinh khuyết tật thêm vững tâm. Như lời tâm sự của Hiệu trưởng Nguyễn Thị Kim Nhung: “Để theo được nghề, người giáo viên dạy trẻ khuyết tật phải sắm hai vai cô giáo và mẹ hiền”.