Còn nhiều bất cập trong việc chống lãng phí sách giáo khoa

09:52, 02/11/2018

Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Chỉ thị 3798/CT-BGDĐT về việc sử dụng sách giáo khoa và sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông, trong đó, yêu cầu các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo viên nhắc nhở học sinh có ý thức giữ gìn, không được viết, vẽ vào sách. Thực tế tại một số trường học trên địa bàn T.P Thái Nguyên chúng tôi thấy việc thực hiện chỉ thị đang bộc lộ nhiều bất cập. 

Tại Chỉ thị này, Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT) giao các Sở tổ chức quán triệt đến từng cán bộ, giáo viên và học sinh về việc giữ gìn, bảo quản sách giáo khoa để sử dụng lâu bền và sử dụng lại; hướng dẫn học sinh không viết, vẽ vào sách giáo khoa. Tuy nhiên, có thể thấy bộ sách giáo khoa phổ thông hiện nay bao gồm sách giáo khoa và sách bài tập đều xây dựng hệ thống các bài tập trắc nghiệm với các hình thức đặc thù như các bài yêu cầu nối hình, số tương ứng, yêu cầu học sinh tô màu, tập viết các số theo mẫu, yêu cầu điền số, dấu thích hợp vào ô trống, khoanh cho đủ số lượng, yêu cầu vẽ thêm, gạch bớt để số lượng các phần bằng nhau… Vì vậy, để hạn chế tình trạng viết, vẽ vào sách giáo khoa thì một số trường tiểu học đã yêu cầu mỗi học sinh phải có thêm một cuốn vở để ghi chép lại, đồng thời các cô giáo phải hướng dẫn học sinh làm bài bằng miệng. Khi thực hiện chỉ thị, nhiều giáo viên cho rằng yêu cầu này chưa phù hợp với đối tượng học sinh tiểu học, đồng thời cũng gây khó khăn đối với giáo viên trong việc giảng dạy.

Cô giáo Phạm Thị Hồng Anh, chủ nhiệm lớp 3A, Trường Tiểu học Nguyễn Huệ, cho biết: Khi thực hiện chỉ thị của Bộ GD&ĐT, tôi thấy bộc lộ nhiều bất cập. Nhất là đối với sách giáo khoa bộ môn Toán. Nếu cho học sinh làm một bài tập toán trong sách giáo khoa mà không viết vào sách thì chúng tôi sẽ mất thêm từ 3-5 phút để hướng dẫn và cho các em trình bày vào vở, tiết học đó bắt buộc phải làm nhiều bài tập thì sẽ mất thêm rất nhiều thời gian không cần thiết. Thậm chí bài tập không thể giải quyết hết trong một tiết học. 

Cô giáo Phạm Thu Trang, Trường Tiểu học Đội Cấn, người có kinh nghiệm dạy lớp 1 nhiều năm cho biết: Đối với học sinh lớp 1, nhiều trẻ còn chưa biết hết mặt chữ thì việc trình bày lại bài tập ra vở không đơn giản. Yêu cầu học sinh lớp 1 không viết, vẽ vào sách giáo khoa là điều rất khó. Bởi các em ở lứa tuổi này chưa biết đọc, biết viết thì rất khó chép đề bài vào vở rồi làm. Trong khi đó nhiều bài tập trong sách giáo khoa Toán lớp 1 lại có nội dung yêu cầu học sinh tô màu, nối, điền vào chỗ trống số lượng các đồ vật như đồng hồ, ô tô, chiếc thuyền… các em không thể vẽ tất cả ra được, chỉ có thể ghi lại đáp án, việc ghi chép lại như thế vô nghĩa và mất thời gian.     

Cô Phan Thị Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đội Cấn thì cho rằng: Hướng dẫn học sinh hạn chế viết, vẽ vào sách giáo khoa là không khả thi. Yêu cầu giáo viên không để học sinh viết, vẽ trong sách rõ ràng là thêm việc không cần thiết và làm khó cho các thầy cô. Đặc biệt là yêu cầu học sinh lớp 1 không viết, vẽ vào sách giáo khoa là điều rất khó. Trước mắt chúng tôi khuyến khích các em viết bằng bút chì để sau này có thể tẩy được. Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, hiện mới có khoảng 35% sách giáo khoa được sử dụng lại mỗi năm. Nếu chỉ nhìn vào con số này để tiết kiệm sách bằng mọi cách, rất có thể, chúng ta lại đang lãng phí đi cơ hội được học tập một cách khoa học, hiệu quả của con em mình.