Đối với mỗi cấp ủy, công tác lịch sử Đảng là một nhiệm vụ quan trọng của công tác chính trị tư tưởng. Công tác này không chỉ đơn thuần là ghi lại những sự kiện lịch sử, rút ra bài học kinh nghiệm để phục vụ yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy ở địa phương, đơn vị, mà còn bao gồm cả việc tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống cách mạng, bồi đắp tinh thần yêu nước cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trong thời kỳ mới.
Những năm qua, công tác nghiên cứu, biên soạn, xuất bản lịch sử đảng bộ các cấp, lịch sử truyền thống cách mạng trên địa bàn tỉnh được các cấp ủy, lãnh đạo các ngành, đơn vị quan tâm chỉ đạo, thực hiện và có những kết quả tích cực. Đặc biệt là từ khi có Đề án số 04-ĐA/TU, ngày 10/10/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Tăng cường công tác nghiên cứu, biên soạn; tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống cách mạng, lịch sử đảng bộ địa phương cho cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2016 - 2020” (gọi tắt là Đề án 04).
Sau khi có Đề án 04, 19/19 đảng bộ trực thuộc đã ban hành kế hoạch thực hiện và giao cho ban tuyên giáo cấp ủy là cơ quan thường trực chỉ đạo. Theo đó, với sự quan tâm của cấp ủy các cấp, bước chuyển biến rõ nét nhất sau 2 năm triển khai thực hiện Đề án 04 là số cuốn sách lịch sử đảng bộ địa phương, đơn vị được nghiên cứu, biên soạn và xuất bản ở các cấp tăng cả về số lượng và chất lượng; đảm bảo tính đảng, tính khoa học.
Ở cấp tỉnh đã triển khai nghiên cứu, biên soạn 5 cuốn sách; 17/36 sở ban, ngành cấp tỉnh đã xuất bản được sách, tài liệu lịch sử. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã triển khai nghiên cứu các cuốn sách: “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng tỉnh Thái Nguyên”; “Kỷ yếu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 1945 – 2020”; “Biên niên Lịch sử Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 1936 - 2016”; đồng thời, biên soạn, tái bản có chỉnh sửa bổ sung cuốn “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên (1936 - 2016)”. Công tác nghiên cứu, biên soạn các cuốn sách trên được triển khai nghiêm túc, đúng tiến độ, kế hoạch đề ra.
Công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ cấp xã cũng được coi trọng về tiến độ và chất lượng hơn trước. Đã có trên 170 xã, phường, thị trấn triển khai nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ, trong đó 125 bản thảo đã xuất bản thành sách. Đảng bộ các huyện: Phú Lương, Định Hóa, Đại Từ, Võ Nhai là những đơn vị có số đảng bộ xã, thị trấn biên soạn, xuất bản được lịch sử đảng bộ chiếm tỷ lệ cao.
Theo đánh giá của Hội đồng thẩm định, hầu hết các ấn phẩm được xuất bản đã đảm bảo tính Đảng, tính khoa học, tính thống nhất, tính định hướng và tính giáo dục, đồng thời cũng thể hiện được những nét đặc thù riêng của các sự kiện lịch sử từng địa phương một cách đầy đủ, toàn diện. Quá trình biên soạn nghiêm túc, tuân thủ các bước nghiên cứu lịch sử với nội dung tư liệu phong phú, phản ánh khách quan, chân thật lịch sử.
Để đảm bảo chất lượng, việc thẩm định bản thảo các cuốn sách lịch sử được đặc biệt quan tâm. Thực hiện Quyết định số 372-QĐ/TU, ngày 24/02/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “Về việc ban hành Quy định thẩm định bản thảo lịch sử đảng bộ địa phương, đơn vị; lịch sử truyền thống cách mạng các ban, ngành, đoàn thể thuộc tỉnh Thái Nguyên”, tính đến hết tháng 8/2018, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tổ chức 55 Hội đồng thẩm định cấp tỉnh để thẩm định bản thảo các cuốn sách lịch sử đảng bộ, lịch sử các ngành trong tỉnh; 8 Hội đồng thẩm định nhân vật lịch sử phục vụ nhiệm vụ xét, công nhận người có công; 1 Hội đồng tư liệu lịch sử. Qua hoạt động của các hội đồng thẩm định, chất lượng các cuốn sách, tư liệu lịch sử được đảm bảo; nội dung đầy đủ, chuẩn xác hơn, tránh được nhiều hạn chế, sai sót về dữ liệu lịch sử.
Một trong những người thầy có đóng góp tích cực cho công tác biên soạn lịch sử đảng bộ các ngành, địa phương trong tỉnh,Tiến sĩ Sử học Nguyễn Xuân Minh bày tỏ sự vui mừng khi trò chuyện cùng chúng tôi: “Là người giảng dạy, nghiên cứu, biên soạn lịch sử, tôi rất vui khi các ngành, địa phương trong tỉnh quan tâm đến công tác biên soạn lịch sử. Được mời tham gia Hội đồng thẩm định về chất lượng các bản thảo, tôi nhận thấy các đơn vị đã rất dày công trong việc sưu tầm tư liệu lịch sử, tổ chức các hội thảo để thu thập tư liệu đảm bảo khách quan, chân thực. Mỗi ngành, địa phương xuất bản được các cuốn lịch sử chính là việc làm thiết thực nhất cho công tác giáo dục truyền thống cách mạng” thầy Minh chia sẻ thêm.
Đặc biệt, nhằm nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cũng đã tổ chức các lớp tập huấn công tác lịch sử Đảng cho các đối tượng là giảng viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và phổ thông trên địa bàn tỉnh. Qua đó nhằm trang bị thêm cho đội ngũ giáo viên những kiến thức, kỹ năng cần thiết và phương pháp khai thác tài liệu hiệu quả; góp phần nâng cao chất lượng các bài giảng. Căn cứ vào chương trình giáo dục phổ thông, Sở Giáo dục và Đào đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ biên soạn và phát hành để sử dụng thống nhất trong toàn tỉnh nội dung giáo dục đạo đức, lịch sử địa phương ở cấp tiểu học, THCS. Nội dung lịch sử địa phương cấp THPT được chỉ đạo cho các nhà trường căn cứ vào hoàn cảnh thực tiễn, các tổ/nhóm chuyên môn tự tiến hành biên soạn và giảng dạy theo chương trình nhà trường và được Sở Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.
Qua hai năm thực hiện Đề án 04 đã thu được nhiều kết quả quan trọng, có những chuyển biến tích cực về nhiều mặt. Nhận thức của cấp ủy đảng về vị trí, vai trò của công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử được nâng lên. Chất lượng giáo dục môn lịch sử, đặc biệt là việc đưa lịch sử địa phương vào giảng dạy giúp cho học sinh nhận thức sâu sắc các sự kiện, hiện tượng, nhân vật, mối liên hệ mật thiết giữa lịch sử địa phương với lịch sử dân tộc. Góp phần giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào về quê hương, đất nước.
Tuy nhiên, chất lượng biên soạn một số bản thảo lịch sử địa phương chưa cao, khi thông qua Hội đồng thẩm định cấp tỉnh vẫn phải góp ý, sửa chữa nhiều; cá biệt có một số cuốn không được thông qua, phải tổ chức biên soạn lại. Công tác tuyên truyền, phổ biến, khai thác, phát huy giá trị các cuốn lịch sử đã xuất bản nhằm giáo dục truyền thống lịch sử cho cán bộ, đảng viên ở nhiều địa phương, đơn vị chưa được chú trọng đúng mức… đây là những vấn đề mà các ngành, địa phương cần quan tâm, khắc phục để thực hiện tốt hơn công tác này trong thời gian tới.