“Trường là nhà, thầy cô như thể mẹ cha, bạn học đều là anh em”- Đó như là tâm niệm, là tri ân của các thế hệ cán bộ, giáo viên, học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Thái Nguyên (PTDTNT) qua 10 năm xây dựng và phát triển.
Với 28% dân số là người dân tộc thiểu số, sống tập trung ở 124 xã miền núi, vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn, việc thành lập hệ thống giáo dục phổ thông nội trú cho con em đồng bào các dân tộc thêm cơ hội học tập, nâng cao dân trí là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng.
Ngay từ năm 1997, tỉnh UBND tỉnh đã quyết định thành lập Trường PTDTNT Thái Nguyên, trên cơ sở nâng cấp Trường PTDTNT huyện Võ Nhai, tuyển sinh từ bậc THPT và đặt tại huyện Võ Nhai. Quá trình sắp xếp lại quy mô và tổ chức, cũng như tạo điều kiện cho học sinh các địa phương tham gia học tập thuận lợi, năm 2005, Trường chuyển về TP.Thái Nguyên và đến năm 2008, Trường chính thức được tiếp nhận cơ sở vật chất hoàn chỉnh tại phường Tân Lập. Sau khi hoàn thành công tác tuyển sinh năm học 2008-2009, hoạt động đi vào ổn định, Nhà trường chính thức chọn ngày 18-11 là ngày truyền thống.
Là trường chuyên biệt cấp tỉnh dành cho cho con em dân tộc thiểu số, con em gia đình các dân tộc định cư lâu dài tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn của tỉnh Thái Nguyên nhằm góp phần tạo nguồn đào tạo cán bộ và nguồn nhân lực có chất lượng cho tỉnh. Trường có vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội và củng cố an ninh, quốc phòng ở miền núi, vùng dân tộc thiểu số của tỉnh Thái Nguyên.
Thầy giáo Nguyễn Văn Trường, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: Học sinh của Trường là bậc THPT, đa số là người dân tộc thiểu số: Tày, Nùng, Dao, Sán Dìu,…100% học sinh cư trú ở các xã xóm (thôn, bản) đặc biệt khó khăn phân bổ rộng khắp ở các huyện Định Hóa, Võ Nhai, Đại Từ, Đồng Hỷ, Phú Lương, Phú Bình, T.X Phổ Yên, T.P Sông Công. Chính vì vậy, sống xa gia đình, lại làm quen với môi trường sinh hoạt tập trung, nên công tác giáo dục, tổ chức môi trường sư phạm nội trú gặp không ít khó khăn. Với quan điểm: Dạy chữ đi đôi với rèn người, tạo mọi điều kiện thuận lợi, thân thiện nhất về nôi trường nội trú để học sinh và gia đình an tâm thì mới có thể nâng cao chất lượng dạy học. Từ những định hướng và mục tiêu hành động đó, Nhà trường xác định hai nhiệm vụ trọng tâm là mỗi thầy, cô giáo vừa là tấm gương về giáo dục, người truyền đạt kiến thức, đồng thời phải đảm đương hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm lo đời sống tinh thần cho các em học sinh. Nhà trường phải thực sự là mái ấm, là ngôi nhà thứ hai nuôi dưỡng chắp cánh cho tương lai mỗi học sinh.
Với lưu lượng hàng năm từ 350 đến 380 học sinh, tất cả các em đều ở nội trú, nên công tác quản lý học sinh ngoài giờ lên lớp là hết sức quan trọng. Để làm tốt công tác này, Nhà trường cũng đã thành lập Ban Đời sống và Quản lý học sinh, phân công cán bộ, giáo viên trực 24/24 giờ vào tất cả các ngày trong tuần. Đây cũng chính là sợi dây kết nối để mỗi cán bộ, giáo viên vừa là thầy, vừa là mẹ là cha, để mọi sinh hoạt theo nề nếp, cũng như hỗ trợ kịp thời khi học sinh gặp khó khăn, san sẻ tâm tư, tình cảm, định hướng giáo dục phát triển nhân cách, tính tự lập và tương tác giữa các dân tộc anh em sống chung một mái nhà đoàn kết.
Thầy giáo Nguyễn Trường Giang, Phó Hiệu trưởng phụ trách công tác nội trú chia sẻ: Học sinh dân tộc thiểu số khi mới nhập trường thường bỡ ngỡ, nhớ nhà và tự ty, ít chia sẻ, sống khép mình. Các em ngại hỏi, ngại trao đổi bài, kiến thức học tập…Trường đã xây dựng các hình thức sinh hoạt tập thể, lồng ghép hoạt động học tập với hoạt động văn hóa…Đặc biệt là khơi gợi những nét đẹp văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc để xây dựng thành những hoạt động văn hóa, kịch bản, sân khấu hóa…Từ đó nêu cao được những giá trị giáo dục tinh thần, đạo đức và lồng ghép kiến thức học tập, tạo sự hòa nhập, tôn vinh nét đẹp văn hóa mỗi dân tộc.
Những buổi sinh hoạt văn hóa hàng tuần, gồm nhiều tiết mục tự biên, tự diễn đặc sắc như: Hát then, múa khèn, múa ô, hài kịch, những trò chơi dân gian sôi nổi đã thực sự cuốn hút toàn thể học sinh. Ngoài ra, các câu lạc bộ (CLB) được thành lập như: CLB Văn học, CLB Toán học, CLB Hội họa, CLB Hài kịch, CLB Thơ, CLB điểm 9, 10 được duy trì sinh hoạt thường xuyên… Những hoạt động này vừa tạo nên sự gần gũi, thân thiện, củng cố tinh thần đoàn kết, giúp các em học tập tốt hơn, vừa luyện tập cho các em kỹ năng sống, góp phần thực hiện tốt phương châm giáo dục toàn diện trong Nhà trường.
Với khuôn viên trên 14.000m2, trong đó có trên 700m2 nhà ở ký túc xá xây dựng 3 tầng khang trang, với 48 phòng nội trú, trên 300m2 nhà ăn hai tầng, phục vụ tốt các nhu cầu sinh hoạt hàng ngày và một số hoạt động ngoại khóa, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc và học tập cho học sinh nội trú. Bên cạnh hoạt động ngoại khóa, hoạt động học tập ngoài giờ luôn được Nhà trường quan tâm phân công giáo viên hướng dẫn, kèm giúp các em để hoàn thành tốt kiến thức phổ thông, làm hết bài tập sau giờ chính khóa. Chính điều đó đã bảo đảm chất lượng học tập của học sinh, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT hàng năm luôn đạt cao. Trong những năm gần đây, thi THPT Quốc gia, xét tốt nghiệp, tuyển sinh đại học, cao đẳng, Trường là một trong 4 đơn vị của ngành đỗ tốt nghiệp 100% và có điểm thi cao. Tỷ lệ học sinh giỏi hàng năm đạt trên 36, tỷ lệ học sinh khá từ 50%-60% và không có học sinh yếu kém.
Năm học 2017-2018, tại kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh các môn văn hóa Trường đạt: 111 giải (7 giải Nhì, 32 giải Ba, 62 giải Khuyến khích); Hội khỏe Phù Đổng cấp tỉnh lần thứ XVI, giai đoạn 1: Đoạt 4 huy chương (1 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Bạc, 1 Huy chương Đồng). Có thể nói với quyết tâm “Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt, học tốt” theo lời dạy của Bác Hồ, suốt 10 năm qua Nhà trường đã duy trì được thành tích liên tục có tỷ lệ học sinh khá, giỏi trên 80%, học sinh đạt hạnh kiểm tốt trên 90%; mỗi năm, học số giải học sinh giỏi cấp tỉnh chiếm gần 50% tổng số học sinh của Trường.
Mái trường nội trú đã trở thành nơi chắp cánh cho hàng nghìn lượt học sinh dân tộc của tỉnh vững bước vào đời bằng những nền tảng kiến vững chắc và cả niềm tự hào dân tộc. Những nỗ lực vun đắp dựng xây một môi trường nội trú bằng cả kỷ cương, tình thương, trách nhiệm của các thế hệ thầy, cô giáo đã được ngành Giáo dục, tỉnh Thái Nguyên ghi nhận bằng nhiều phần thưởng cao quý. Đây chính là nền tảng để Nhà trường vững bước trên chăng đường tiếp theo cho sự nghiệp trồng người đối với con em các dân tộc thiểu số của tỉnh.
Từ năm học 2009-2010 đến nay trường đều đạt "Tiên tiến xuất sắc cấp tỉnh". Năm học 2012 - 2013 được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Tháng 8 năm 2013, Nhà trường được UBND tỉnh Thái Nguyên công nhận là trường đạt Chuẩn Quốc gia từ. Năm 2014, Nhà trường UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác dân tộc giai đoạn 2009-2014. Năm 2015, Nhà trường đạt danh hiệu "Tập thể lao động tiên tiến", được Bộ GDĐT tặng bằng khen... Đây chính là nền tảng để Nhà trường vững bước trên chăng đường tiếp theo cho sự nghiệp trồng người đối với con em các dân tộc thiểu số của tỉnh.