Nghề dạy học đã tạo dựng cho hình ảnh người giáo viên luôn là tấm gương mẫu mực về đạo đức, về tâm hồn và tri thức. Ở bất cứ nơi đâu, dù đương chức hay chuyển sang lĩnh vực công tác khác, họ vẫn phát huy tốt phẩm chất đạo đức nhà giáo và được xã hội tin yêu.
Hôm nay, hơn 20 nghìn nhà giáo các cấp học trên địa bàn tỉnh hân hoan chào mừng kỷ niện 36 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2018). Ngày Nhà giáo Việt Nam được tổ chức hàng năm không chỉ là dịp để ngành Giáo dục tôn vinh những người hoạt động trong ngành, học trò thể hiện lòng thành kính “tôn sư trọng đạo” mà còn là dịp để xã hội tôn kính, tri ân những người đã, đang gắn bó với nghề dạy học. Chính vì vậy, sinh thời Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”.
Dù điều kiện còn khó khăn, song nhiều năm qua, tỉnh luôn dành phần ngân sách kịp thời cho giáo dục, xem giáo dục là quốc sách hàng đầu. Người người, nhà nhà đều chú trọng việc học tập của con em. Hiểu rõ sứ mệnh và trọng trách này, những năm qua, ngành Giáo dục đã có nhiều cố gắng, triển khai nhiều giải pháp để tiếp tục đổi mới công tác quản lý, phương pháp dạy học có hiệu quả.
Đa số các thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tụy, hết lòng vì học sinh. Gia đình, nhà trường và xã hội đã chung tay tạo những điều kiện, môi trường tốt nhất có thể, cho bao lớp học trò. Nhiều thế hệ học sinh, sinh viên hăng say học tập, rèn luyện để xứng đáng là tương lai của đất nước. Các cấp học đều được quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất từng bước đáp ứng nhu cầu học tập của xã hội, thu hẹp dần khoảng cách về điều kiện và chất lượng học tập của các vùng miền. Năm học 2018-2019, toàn Ngành đã nhận được trên 469 tỷ đồng đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất điều kiện học tập tại các trường, trong đó trên 200 tỷ đồng đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống các trường nội trú, bán trú, giúp học sinh vùng cao có điều kiện học tập tốt hơn; đầu tư trên 20 tỷ đồng xây dựng 33 phòng học kiên cố, xóa phòng học tạm tại các vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt, trong năm, các địa phương, các trường cũng đã thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa giáo dục, đầu tư nâng cấp các phòng học, nhằm bảo đảm chất lượng môi trường sư phạm đạt chuẩn Quốc gia. Đến nay, toàn tỉnh đã có 556/675 trường đạt chuẩn Quốc gia, đạt tỷ lệ 82,37%, vượt 2,37% so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra giai đoạn 2016-2020. Đặc biệt, từ năm học 2017-2018 đến nay, Công đoàn ngành Giáo dục đã dành gần 3,5 tỷ đồng nguồn Quỹ “Hỗ trợ người lao động” của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho vay ưu đãi hàng trăm lượt viên chức, người lao động trong ngành Giáo dục tỉnh Thái Nguyên.
Có thể nói nghề giáo là một nghề đặc biệt, bởi đối tượng lao động của người thầy chính là nhân cách, tâm hồn và thể chất con người. Đứng trước những yêu cầu đổi mới, nghề giáo là một trong những nghề đang chịu nhiều áp lực. Đó cũng là đòi hỏi tất yếu trong xu thế hội nhập quốc tế. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra thách thức ngành Giáo dục phải thay đổi cách dạy học cho phù hợp. Công việc dạy học của các nhà giáo ngày nay khác trước nhiều. Mọi kiến thức, hiểu biết của học sinh không chỉ được hình thành qua sách vở, qua Internet mà phải được bổ sung qua các hoạt động trải nghiệm, biết học hỏi lẫn nhau, biết vận dụng kiến thức đã học vào cuộc sống. Thông qua giờ dạy trên lớp và hoạt động giáo dục trong và ngoài nhà trường, nhà giáo giúp học sinh biết tự học một cách sáng tạo.
Giáo dục và Đào tạo trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 phải có sứ mệnh dám đương đầu với những mặt trái của xã hội tác động đến thế hệ trẻ.Trên thực tế, xã hội hiện nay chưa được ổn định, phân cực giàu - nghèo ngày càng lớn, những tác động tiêu cực của xã hội, của văn hóa đời sống ngày một nhiều. Nhiều gia đình, bố mẹ lo kiếm sống, không đủ thời gian và không có phương pháp giáo dục con một cách khoa học; chỉ kỳ vọng vào con cái, áp dụng kiểu giáo dục áp đặt mà thiếu đồng hành, lắng nghe con. Do đó, vai trò giáo dục của gia đình, giáo dục của nhà trường hiện nay là rất lớn. Thầy cô giáo không tâm huyết với nghề không thể sáng tạo ra những phương pháp giáo dục hiệu quả, phù hợp với từng loại học sinh, nhất là những học sinh gặp khó khăn về hoàn cảnh sống, về điều kiện học tập.
Để làm tròn sứ mệnh vẻ vang của mình, trước hết, thầy, cô giáo phải chuẩn bị cho mình có đủ nội lực để phát huy mọi tiềm năng của bản thân cho mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực của mỗi học sinh. Với những kết quả đã đạt được trong năm vừa qua, chắc chắn sẽ là động lực tiếp tục nâng cao chất lượng dạy và học trong mỗi nhà trường, đồng thời tiếp tục củng cố niềm tin với xã hội về mục tiêu phát triển giáo dục đáp ứng yêu cầu hội nhập Quốc tế.