Quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo

09:25, 08/12/2018

Trong những năm qua, tập thể cán bộ, giảng viên Trường Chính trị tỉnh đã đoàn kết, quyết tâm thực hiện sự nghiệp đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, đã tạo ra những chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Kết quả trên có được là do Nhà trường đã đặc biệt chú trọng đến việc tạo điều kiện để cán bộ, giảng viên được học tập, nâng cao trình độ, nghiên cứu khoa học, tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, các bộ, ngành Trung ương tổ chức...

Trao đổi cùng chúng tôi Th.s Đào Ngọc Anh, Bí thư Đảng bộ, Phó Hiệu trưởng Nhà trường cho biết:  Mục tiêu mà Nhà trường đặt ra là mô hình trường chính trị chuẩn theo định hướng của Học viện, tức là chuẩn từ nội dung chương trình đến chuẩn về đội ngũ cán bộ, chuẩn về cơ sở vật chất, phương tiện dạy và học. Trong đó, chú trọng về chuẩn hóa nội dung chương trình do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh ban hành (cả về đào tạo và bồi dưỡng) phù hợp với thực tế ở địa phương. Xác định rõ để nâng cao chất lượng đào tạo, phải quan tâm xây dựng đội ngũ giảngviên giỏi về cả lý luận chính trị và chuyên môn. Nhà trường đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp xây dựng đội ngũ giảng viên như: Rà soát trình độ chuyên môn của giảng viên để giao kế hoạch đào tạo cho cá nhân và tập thể khoa, phòng; xây dựng cơ chế đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên. Mỗi cán bộ, giảng viên Nhà trường luôn tự học tập nâng cao kiến thức, phẩm chất đạo đức, trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ; tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, tăng cường sử dụng các phương pháp dạy học tích cực.

Sau nhiều năm kiên trì thực hiện mục tiêu xây dựng đội ngũ, đến nay, trong số 51 cán bộ, công chức, viên chức toàn Trường, trong đó có 38 giảng viên thì 100% có trình độ đại học, nhiều đồng chí có 2 bằng đại học; có 22 thạc sĩ, 2 nghiên cứu sinh, 6 học viên cao học với các chuyên ngành lĩnh vực. Đội ngũ giảng viên tích cực tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế theo hướng phục vụ cho công tác đào tạo, bồi dưỡng, đặc biệt là nghiên cứu thực tế, tổng kết thực tiễn.

Riêng năm 2017, đội ngũ giảng viên Nhà trường đã hoàn thành 5 đề tài khoa học cấp cơ sở  là: “Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung tài liệu bồi dưỡng ngạch chuyên viên tỉnh Thái Nguyên”, “Nghiên cứu, xây dựng tài liệu bồi dưỡng cán bộ Mặt trận Tổ quốc cấp cơ sở tỉnh Thái Nguyên”; “Tác động của trang trại chăn nuôi đến vấn đề dân sinh và môi trường nước trên địa bàn huyện Đồng Hỷ tỉnh Thái Nguyên”; “Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên ở các doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên”, “Nâng cao chất lượng nghiên cứu thực tế đối với học viên các lớp trung cấp lý luận chính trị-hành chính của Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên”.

Năm 2018, Trường đã và đang hoàn chỉnh, nghiệm thu 5 đề tài khoa học cấp cơ sở. Tính đến hết tháng 11 năm 2018, Trường đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng 57 lớp. Trong đó, có 28 lớp đào tạo, 29 lớp bồi dưỡng. Nhà trường thường xuyên đánh giá nội dung giảng dạy, chất lượng đào tạo qua việc tổ chức lấy phiếu phản hồi từ người học. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý học viên và tổ chức hội nghị giao ban giữa Ban Giám hiệu với ban cán sự các lớp; tổ chức họp với các lớp sau khi kết thúc phần học. Thông qua việc nắm bắt tình hình nhận xét, góp ý từ học viên, Nhà trường đưa ra các giải pháp giảng dạy, quản lý phù hợp, hiệu quả.

Đồng thời, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường còn thường xuyên tổ chức rà soát, đánh giá lại năng lực giảng dạy của từng giảng viên, thực hiện phân công lại bài giảng một cách hợp lý cho cả giảng viên chính thức và giảng viên tập sự, tạo điều kiện cho giảng viên luân phiên tham gia giảng các bài trong chương trình, vừa nâng cao nhận thức lý luận, đảm bảo tính hệ thống vừa rèn luyện kỹ năng, phương pháp giảng dạy cho đội ngũ giảng viên.Công tác đánh giá cán bộ, đảng viên được thực hiện nghiêm túc, đúng hướng dẫn của cơ quan cấp trên và theo quy định của Nhà nước. Hằng quý các chi bộ, phòng, khoa đều tổ chức kiểm điểm, đánh giá kết quả công tác của từng cán bộ, đảng viên tiến hành phân loại theo quy chế làm cơ sở bình xét thi đua cuối năm…

Với những giải pháp cụ thể, thiết thực,Trường Chính trị tỉnh đã bám sát nhiệm vụ chính trị, phục vụ kịp thời yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trên tất cả các lĩnh vực hoạt động đều tiếp tục có bước phát triển mới. Có được kết quả đáng phấn khởi đó là khâu quyết định chính là nhờ đội ngũ cán bộ, giảng viên không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng.

Chúng tôi được biết, Trường Chính trị tỉnh đã và đang nỗ lực xây dựng Nhà trường theo hướng chuẩn hóa. Những giải pháp được Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường kiên trì thực hiện, như: Tiếp tục xây dựng các chương trình về đào tạo, bồi dưỡng với những định hướng và kế hoạch phát triển bền vững, tạo sự đồng thuận trong đội ngũ cán bộ, giảng viên, giữa học và hành, giữa người dạy và người học; nghiêm túc thực hiện quy định về ứng xử văn hóa của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, quan tâm xây dựng đạo đức nghề nghiệp của giảng viên và ý thức trách nhiệm, tính tự trọng, tự giác của học viên và cán bộ, đảng viên trong toàn Trường; tiếp tục quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên có đủ năng lực, trình độ, phẩm chất nghề nghiệp thông qua tăng cường giáo dục đạo đức nhà giáo, phát huy tính tự tôn, tự trọng nghề nghiệp; đổi mới phương pháp giảng dạy tích cực, lấy người học làm trung tâm, biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo; phấn đấu thực hiện mục tiêu đến 2020 Nhà trường có từ 80% trở lên giảng viên có trình độ thạc sĩ, có ít nhất 2 giảng viên hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh, bảo vệ thành công luận án tiến sĩ…