Tạo dựng thương hiệu nhà xuất bản uy tín của khu vực

15:36, 21/12/2018

Sau 10 năm thành lập, Nhà Xuất bản Đại học Thái Nguyên (NXB ĐHTN) đã từng bước nâng cao số lượng, chất lượng các xuất bản phẩm cả về nội dung và hình thức. NXB đã từng bước tạo nên “thương hiệu”, là NXB của các trường đại học khu vực trung du và miền núi, của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng núi phía Bắc. Điều đáng mừng là suốt 10 năm hoạt động, NXB không xuất bản ấn phẩm nào vi phạm về tư tưởng, chính trị, cũng như chưa để xảy ra bất cứ một sai phạm nào trong lĩnh vực này.

Được thành lập năm 2008, NXB ĐHTN là NXB Trung ương đóng tại tỉnh và là NXB duy nhất của khu vực miền núi phía Bắc. Đơn vị có nhiệm vụ xuất bản các loại học liệu phục vụ công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của ĐHTN và tổ chức xuất bản trên các lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, xã hội của các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc và cả nước nói chung.

Khi mới thành lập, NXB chỉ có 6 cán bộ, công chức, trong đó 1 người có bằng chuyên ngành xuất bản, số còn lại đều là các thầy, cô giáo, các cán bộ từ Văn phòng Đại học chuyển sang. Đến nay, sau 10 năm hoạt động, NXB đã có 28 cán bộ, công chức, viên chức (trong đó có 2 PGS.TS, 5 tiến sĩ, 10 thạc sĩ, số còn lại có trình độ cử nhân đại học và cao đẳng).

Hầu hết cán bộ chuyên môn (biên tập viên và kỹ thuật) đều được đào tạo và có chứng chỉ hành nghề xuất bản, in ấn. Đội ngũ cán bộ, công nhân, viên chức của NXB luôn đoàn kết, tự giác học tập, nâng cao trình độ về chuyên môn, nghiệp vụ và có tinh thần làm việc tích cực. Cùng với sự phát triển của đội ngũ cán bộ đơn vị, cơ sở vật chất của NXB đã từng bước được trang bị hiện đại, đáp ứng yêu cầu công việc được giao.

Năm 2016, NXB được ĐHTN đầu tư xưởng in với thiết bị máy móc hiện đại, có khả năng thực hiện việc in ấn tất cả các loại xuất bản phẩm, phục vụ cho công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và nhu cầu in ấn, xuất bản của xã hội. Thuận lợi trong việc xuất bản in ấn tại chỗ đã góp phần giúp NXB giảm giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh với các cơ sở xuất bản, in ấn khác trên địa bàn.

Từ khi thành lập đến nay, NXB ĐHTN đã xuất bản được trên 1.000 đầu sách và các xuất bản phẩm khác. Trong đó nổi bật là 2 loại sách: Sách giáo trình, sách hướng dẫn giảng dạy, sách chuyên khảo, tham khảo phục vụ cho công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ (thuộc các lĩnh vực: khoa học xã hội - nhân văn, tự nhiên, kỹ thuật, nông - lâm - sinh - y…) của ĐHTN và các trường cao đẳng, đại học thuộc khu vực trung du và miền núi phía Bắc nói chung.

Có thể kể tên một số cuốn sách giáo trình và sách nghiên cứu, chuyên khảo tiêu biểu như: “Phương pháp phân tích di truyền hiện đại trong chọn giống cây trồng” (PGS.TS Chu Hoàng Mậu); “Giáo trình Cơ sở lý thuyết mạch” (PGS.TS Lại Khắc Lai); “Dinh dưỡng Protein gia cầm” (PGS.TS Nguyễn Duy Hoan); “Kỹ thuật đo đếm điện năng” (PGS.TS Nguyễn Hữu Công - chủ biên); “Lý luận giáo dục” (GS.TS Phạm Hồng Quang - TS Nguyễn Thị Thu Hằng)....

Và thứ hai là loại sách về dân tộc và miền núi. Đây là loại sách có "thương hiệu" và đã trở thành “đặc sản” của NXB ĐHTN. NXB đã xây dựng Đề án xuất bản loại sách này và hàng năm được Nhà nước đặt hàng (từ 3-5 đầu sách với số lượng trên 7.000 cuốn/năm). Tính đến nay, đã có trên 100 đầu sách về dân tộc và miền núi được xuất bản tại NXB ĐHTN. Đây là loại sách có chất lượng cao, được nhận nhiều Giải thưởng của Hội Xuất bản Việt Nam, Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, Ủy ban toàn quốc các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Hội đồng Lý luận phê bình Trung ương và của tỉnh… Ví dụ như cuốn: “Nghiên cứu bảo tồn và phát triển ngôn ngữ văn hóa các dân tộc thiểu số ở Việt Bắc” (PGS.TS Nguyễn Văn Lộc - chủ biên); “Từ điển Tày - Việt” (Lương Bèn - chủ biên); Tuyển tập thơ: “Việt Bắc - Trái tim hồng” (Mai Liễu - Đức Hạnh - Vân Trung, Đồng chủ biên); “Bản sắc văn hóa dân tộc trong văn xuôi các dân tộc thiểu số Việt Nam” (PGS.TS Đào Thủy Nguyên); "Nghiên cứu, phê bình về văn học dân tộc thiểu số" (PGS.TS Trần Thị Việt Trung);"Văn học địa phương miền núi phía Bắc" (PGS.TS Nguyễn Đức Hạnh - Chủ biên);...

Bên cạnh đó, NXB ĐHTN còn chú ý xuất bản các loại sách về văn hóa, chính trị, xã hội khác phục vụ các địa phương và các tỉnh miền núi phía Bắc. Có thể kể đến sách văn học, đặc biệt là các sáng tác của các nhà văn sinh sống làm việc tại Thái Nguyên - NXB được ví như “bà đỡ mát tay” cho hàng trăm tác phẩm văn học ra đời. Đối với sách văn hóa, lịch sử địa phương, NXB đã và đang tích cực tổ chức xuất bản hàng chục cuốn sách lịch sử địa phương của các phường, xã, huyện thuộc các tỉnh: Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng…

Đơn vị cũng xuất bản các bộ sách giáo khoa địa phương cho một số tỉnh: Thái Nguyên, Lạng Sơn… phục vụ kịp thời cho các nhà trường phổ thông của các tỉnh này. Ngoài ra, với vai trò của một NXB tổng hợp, NXB ĐHTN còn xuất bản các loại: Lịch Bloc, lịch tờ, các sách kỷ yếu (hội thảo khoa học, kỷ niệm thành lập đơn vị, cơ quan…) cùng nhiều loại tài liệu phổ biến kiến thức khác.

Trong quá trình hoạt động, với uy tín của mình, NXB ĐHTN đã dần mở rộng được địa bàn hoạt động đến hầu hết các tỉnh miền núi phía Bắc, như: Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Cao Bằng, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hòa Bình, Hà Giang… và một số tỉnh phía Nam như: Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, T.P Hồ Chí Minh… Có những tác giả ở T.P Hồ Chí Minh và Long An đã xuất bản trên 10 đầu sách tại NXB ĐHTN chỉ bởi 1 lý do: Đơn vị biên tập kỹ, thái độ trân trọng mà thân thiết, gần gũi đối với tác giả.

Trải qua chặng đường 10 năm đầy gian khó và đã đạt được thành tựu cùng những bước tiến quan trọng - NXB ĐHTN lại tiếp tục vững bước trên chặng đường mới, hứa hẹn sẽ có nhiều thuận lợi nhưng cũng đầy thách thức mới của thời đại công nghệ 4.0. NXB ĐHTN đã chủ động xây dựng Chiến lược phát triển của mình (trong giai đoạn 5 năm, 10 năm tới) cùng các kế hoạch hoạt động cụ thể cho từng năm trên tinh thần: làm tốt 2 nhiệm vụ chính trị, tư tưởng và phát triển kinh doanh, kinh tế, để tiến tới thực hiện cơ chế tự chủ theo chủ trương của cấp trên. Với sức trẻ và niềm tin của mình, chắc chắn thời gian tới NXB ĐHTN sẽ có những bứt phá, sáng tạo mới, quyết tâm mới để vươn lên hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của mình.

10 năm qua, nhiều cá nhân của NXB ĐHTN đã được đón nhận các phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước trao tặng như: PGS.TS Trần Thị Việt Trung - nguyên Giám đốc, Tổng Biên tập nhận Huân chương Lao động hạng Ba, Huân chương Lao động hạng Nhì; PGS.TS Trần Thị Việt Trung, PGS.TS Nguyễn Đức Hạnh - nguyên Giám đốc NXB nhận danh hiệu Nhà giáo Uu tú. Tập thể NXB ĐHTN và các cá nhân cũng được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ GD&ĐT, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc và miền núi, UBND tỉnh (TS Phạm Quốc Tuấn, ThS Lê Thị Như Nguyệt, TS Đỗ Thùy Ninh)...