Trong Chương trình giáo dục phổ thông mới, ở cấp Trung học phổ thông, bên cạnh những môn học bắt buộc là sự xuất hiện các môn học tự chọn. Việc cho phép học sinh chọn môn học theo sở thích, sở trường là một nội dung quan trọng thể hiện tinh thần tiến bộ của Chương trình. Nhưng liệu học sinh có “đổ xô” chọn một số môn và "từ chối" một số môn hay không?
Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới, theo đánh giá của các chuyên gia giáo dục, sẽ có tác động đến mọi học sinh phổ thông ở các cấp học, tuy nhiên mạnh nhất, nhiều nhất là đối với học sinh Trung học phổ thông (THPT). Điểm thay đổi lớn đồng thời cũng được đánh giá là một trong những nội dung quan trọng thể hiện tinh thần tiến bộ của Chương trình GDPT mới là việc cho phép học sinh được tự chọn môn học và phân hóa hướng nghiệp sớm đối với bậc học THPT.
Nội dung giáo dục cấp THPT gồm các môn học bắt buộc và các môn học tự chọn. Trong đó, bảy môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc bao gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương. Hai môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2. Năm môn học lựa chọn từ ba nhóm môn học (mỗi nhóm chọn ít nhất một môn học): Nhóm môn khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật); Nhóm môn khoa học tự nhiên (Vật lý, Hoá học, Sinh học); Nhóm môn công nghệ và nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật).
Chương trình sẽ được bắt đầu triển khai từ năm học 2022-2023 đối với lớp 10; áp dụng cuốn chiếu cho những năm học tiếp theo với lớp 11 và 12.
Việc cho học sinh tự chọn theo môn học được đánh giá là một bước tiến của chương trình mới để phù hợp với thực tế các nghề nghiệp trong xã hội ngày càng đa dạng với yêu cầu cũng đa dạng về cơ cấu kiến thức. Nếu xuất hiện các nghề nghiệp mới yêu cầu xen kẽ giữa các kiến thức, như kiến thức tự nhiên và xã hội, thì rõ ràng hướng thay đổi này đã mở ra những sự lựa chọn và cơ hội cho học sinh. Các em sẽ chọn môn học theo đúng sở thích của mình và phù hợp với yêu cầu kiến thức định hướng nghề nghiệp đa dạng trong xã hội.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho biết mục tiêu của chương trình giáo dục THPT là giúp học sinh tiếp tục phát triển những phẩm chất, năng lực cần thiết đối với người lao động, ý thức và nhân cách công dân, khả năng tự học và ý thức học tập suốt đời, khả năng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực và sở thích, điều kiện và hoàn cảnh của bản thân để tiếp tục học lên, học nghề hoặc tham gia vào cuộc sống lao động, khả năng thích ứng với những đổi thay trong bối cảnh toàn cầu hoá và cách mạng công nghiệp mới. Vì vậy, chương trình đã xây dựng để học sinh chọn năm môn học từ ba nhóm môn học, mỗi nhóm chọn ít nhất một môn học cùng với việc chọn ba cụm chuyên đề học tập của ba môn học phù hợp với nguyện vọng của bản thân và khả năng tổ chức của nhà trường.
Đồng thời, chương trình cũng quy định “Các trường có thể xây dựng các tổ hợp môn học từ ba nhóm môn học và chuyên đề học tập nói trên để vừa đáp ứng nhu cầu của người học vừa bảo đảm phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường.
Về vấn đề đặt ra liệu học sinh có đổ xô chọn một số môn và "từ chối" một số môn hay không, Phó Vụ trưởng Nguyễn Xuân Thành khẳng định, sẽ không có tình trạng này. “Bộ GD-ĐT sẽ có hướng dẫn cụ thể vấn đề tổ chức cho học sinh lựa chọn môn học tự chọn, không xảy ra tình trạng một số môn hoặc không có học sinh hoặc quá đông học sinh, vượt quá khả năng đáp ứng của nhà trường”.