Đào tạo - nghiên cứu khoa học - chuyển giao công nghệ và hợp tác quốc tế cho khu vực

10:36, 06/02/2019

Cùng với nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và hợp tác quốc tế cho khu vực, với vai trò là một trong 3 đại học vùng của cả nước, chiến lược lâu dài của Đại học Thái Nguyên còn có sứ mạng quan trọng là “đại học vùng thực hiện nhiệm vụ phát triển vùng của đất nước”. Với trọng trách quan trọng đó, những năm gần đây, công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và hội nhập quốc tế mang tính đặc thù vùng của Đại học Thái Nguyên đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Những năm gần đây, trong bối cảnh giáo dục và đào tạo gặp rất nhiều khó khăn do suy thoái kinh tế thế giới, cạnh tranh trong tuyển sinh và đào tạo ngày càng quyết liệt, Đại học Thái Nguyên (ĐHTN) cũng chịu những tác động nhất định. Để kịp thời đổi mới và giữ vững uy tín, sức hấp dẫn của một đại học vùng với bề dầy truyền thống, kinh nghiệm trên 50 năm của nhiều trường đại học hợp lại, ĐHTN đã có những chiến lược trọng tâm, trọng điểm phù hợp với xu hướng phát triển và nhu cầu xã hội.

Năm 2018 khép lại với nhiều khó khăn của ngành, địa phương và đơn vị, tuy nhiên bằng sự nỗ lực không ngừng và ý chí vượt khó, tập thể lãnh đạo, cán bộ viên chức, giảng viên và HSSV của ĐHTN đã không ngừng phấn đấu để đạt được thành tích cao trong các hoạt động.

Công tác tuyển sinh đại học đã có nhiều cố gắng, năm 2018 tổng số sinh viên hệ đại học, cao đẳng tuyển được là: 11.810 người. Hiện, ĐHTN vẫn đang tiếp tục tuyển sinh các hệ vừa làm, vừa học, văn bằng 2, hệ liên thông và cử tuyển năm 2018. Việc mở ngành và chương trình đào tạo được thực hiện đúng quy trình, quy định về mở ngành đào tạo của Bộ GD&ĐT và của ĐHTN. Năm 2018, đã thẩm định mở mới được 13 ngành đào tạo và 1 ngành chương trình tiên tiến. Đặc biệt, tỷ lệ sinh viên sau khi tốt nghiệp có việc làm đạt trên 70%

Hoạt động đào tạo sau đại học được duy trì ổn định, kết quả tuyển sinh sau đại học năm 2018: thạc sĩ đạt 94,1%, tiến sĩ đạt 19,4%... Tính đến tháng 12-2018, ĐHTN có 60 chuyên ngành thạc sĩ, 13 chuyên ngành chuyên khoa cấp I, 7 chuyên ngành chuyên khoa cấp II, 3 chuyên ngành bác sĩ nội trú và 32 chuyên ngành tiến sĩ. Trong năm 2018, Đại học Thái Nguyên mở thêm 3 chuyên ngành đào tạo trình độ thạc sĩ và trình Bộ phê duyệt mới 4 chương trình đào tạo thạc sĩ theo định hướng ứng dụng tại các địa phương. Quy mô đào tạo sau đại học năm 2018 của ĐHTN là 4.662 người, trong đó: Học viên thạc sĩ là 3.851, nghiên cứu sinh là 310, bác sĩ nội trú và bác sĩ chuyên khoa cấp I, II là 501. Số lưu học sinh nước ngoài học sau đại học tuyển được năm 2018 là 46 người,chương trình liên kết quốc tế: 155 người.

Hoạt động hợp tác Quốc tế được lãnh đạo Đại học quan tâm chỉ đạo, Đại học đã thực hiện việc điều chỉnh “Quy định về việc phong tặng danh hiệu tiến sĩ danh dự của ĐHTN”, “Quy định về liên kết đào tạo với nước ngoài của ĐHTN”; Chỉnh sửa và cập nhật phần mềm quản lý thông tin hợp tác quốc tế của ĐHTN.

Ký kết thêm 31 văn bản thỏa thuận và ghi nhớ hợp tác với các đối tác; triển khai hợp tác với các đối tác  nước ngoài thực hiện giới thiệu và đưa sinh viên đến học tập, thực tập; mời chuyên gia, giảng viên đến công tác và giảng dạy tại các đơn vị của Đại học. Khai thác và thực hiện 4 dự án hợp tác quốc tế gồm: Dự án Aus4skills, Dự án Erasmus, Dự án Enhance, Dự án Erasmus Plus.

Tổ chức các hội thảo quốc tế, các hội nghị chuyên đề, tập huấn chuyên môn đạt hiệu quả cao. Tăng cường thực hiện các nội dung liên quan đến nhiệm vụ liên kết đào tạo quốc tế: Đề nghị và được BGD&ĐT công nhận văn bằng cho các chương trình liên kết đào tạo quốc tế bậc tiến sĩ của ĐHTN (22/23 chương trình liên kết đào tạo quốc tế tại ĐHTN đã được BGD&ĐT công nhận); Mở mới 2 chương trình; Chấn chỉnh các hoạt động liên kết đào tạo với nước ngoài tại ĐHTN. Khai thác, giới thiệu các chương trình học bổng nước ngoài cho sinh viên và người học tại Thái Nguyên và các tỉnh trong vùng. Tăng cường công tác quảng bá hình ảnh của ĐHTN đến bạn bè quốc tế thông qua nhiều hình thức đa dạng, phong phú.

Ngoài ra, hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Năm 2018 trúng tuyển thực hiện 4 đề tài KHCN cấp Nhà nước thuộc các Chương trình KHCN quốc gia; được phê duyệt 6 đề tài thuộc Chương trình KHCN hợp tác với tỉnh Thái Nguyên; trúng tuyển thực hiện 1 chương trình KHCN cấp Bộ, 6 đề tài KHCN cấp Bộ; phê duyệt thực hiện 39 đề tài KHCN cấp Đại học, 948  đề tài cấp cơ sở (sinh viên: 593; giảng viên: 355). Công bố 955 bài báo khoa học, trong đó có 703 bài báo được công bố trên tạp chí trong nước và 252 bài báo công bố trên các tạp chí KHCN quốc tế. ĐHTN cũng là một trong 3 đại học trong cả nước đứng đầu các công bố khoa học quốc tế ; tổ chức 50 hội nghị khoa học cấp quốc gia, quốc tế; đào tạo được 16 tiến sĩ, 80 thạc sĩ từ kết quả của các đề tài khoa học công nghệ. Hiện có 12 giải pháp hữu ích và giống, loài mới được gửi hồ sơ đăng ký và xác nhận đơn đăng ký hợp lệ.

Năm 2018 đánh dấu một bước phát triển mới, khi trên 200 doanh nghiệp, nhà tuyển dụng trong nước, quốc tế đã đến ĐHTN và các trường thành viên “đặt hàng” đào tạo nhân lực theo nhu cầu. Điển hình như các ngành: kỹ thuật nông, lâm nghiệp; công nghiệp; tự động hóa; công nghệ thông tin; sư phạm; y-dược; du lịch, thương mại; kinh tế quốc tế…  Với nguồn lực ĐHTN hiện có trên 2.700 cán bộ giảng dạy trong đó trình độ: 15 Giáo sư, 149 PGS và gần 700 tiến sĩ và hơn 1.000 thạc sĩ; đang hợp tác với 22 quốc gia, 6 chương trình liên kết đào tạo tiến sĩ, 11 chương trình liên kết đào tạo thạc sĩ và 8 chương trình tiên tiến nhập khẩu từ trường đại học của Anh, Mỹ, Đức… sẽ tạo sức hút mạnh mẽ về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh từ hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ.

Với bề dầy 25 năm xây dựng và phát triển ĐHTN đã đào tạo gần 500.000 người có trình độ từ cử nhân đến tiến sĩ cho cả nước; tổ chức hàng chục nghìn lớp tập huấn kỹ thuật trong các lĩnh vực: nông lâm nghiệp, y tế, công nghệ thông tin, ngoại ngữ, y học cộng đồng, tài nguyên môi trường, kiến thức sư phạm cho hàng vạn người, riêng tỉnh Thái Nguyên hàng chục nghìn người/năm. Hàng nghìn lượt cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, người lao động đã được tham gia các lớp đào tạo, tập huấn do các nhà khoa học của ĐHTN trực tiếp hướng dẫn, truyền đạt. Nhiều cán bộ quản lý các cấp, cán bộ khoa học của tỉnh đã và đang học tập tại ĐHTN; chất lượng đào tạo của ĐHTN đã góp phần tăng trưởng kinh tế của tỉnh Thái Nguyên và tạo ra môi trường văn hóa khoa học, nâng cao dân trí và đào tạo chất lượng cao cho khu vực và nhiều địa phương trong cả nước.

Có thể nói, với quy mô phát triển ngày càng sâu, rộng đáp ứng nhu cầu xã hội, ĐHTN đã và đang vững vàng là một trung tâm đào tạo, nghiên cứu chất lượng cao của vùng trung du, miền núi phía Bắc và cả nước.