Những kết quả đạt được về thành tích nghiên cứu khoa học của giảng viên, sinh viên trong năm 2018 đã khẳng định vị thế của Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, phát triển đội ngũ của Nhà trường, đồng thời là minh chứng cho sự đầu tư và chú trọng của Nhà trường trong công tác bồi dưỡng và đào tạo cán bộ trẻ, sinh viên.
Chiếc nôi của sự nghiệp trồng người
Với truyền thống hơn 50 năm xây dựng và phát triển, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên đã vinh dự được khen thưởng nhiều danh hiệu cao quý, của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và các nước trong khu vực.
Đặc biệt, năm 2016, Trường vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới. Đây là một thành tựu lớn tạo nên giá trị truyền thống và bản sắc của ngôi trường mà tiền thân là chiếc nôi đào tạo sư phạm cho cả vùng Việt Bắc rộng lớn. Truyền thống hơn 50 năm xây dựng và phát triển đã tạo nền tảng cho Trường tiếp tục mở rộng vùng tuyển sinh trong cả nước và quốc tế, nâng cao năng lực đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ và thực hiện đào tạo lưu học sinh quốc tế.
Hiện nay, đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ của Trường là 167 người (chiếm 45%), Trường có 33 giáo sư và phó giáo sư, 221 thạc sĩ, 2 nhà giáo nhân dân, 12 nhà giáo ưu tú và đang có 70 giảng viên học nghiên cứu sinh trong và ngoài nước. Trong công cuộc đổi mới, mỗi giảng viên của nhà trường đang đứng trước nhiệm vụ và thách thức mới đó là: Giảng viên phải là Nhà chuyên môn giỏi, Nhà giáo dục , Nhà khoa học, Nhà tư vấn giáo dục đại học và giáo dục phổ thông, Nhà hoạt động và phản biện xã hội...
Trước yêu cầu của cách mạng 4.0, đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, là một trong những trường sư phạm trọng điểm của quốc gia, Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên đã và đang có những bước đi tích cực đáp ứng kịp thời yêu cầu đổi mới. Năm 2018, Trường đã điều chỉnh lại sứ mạng, tầm nhìn và mục tiêu hướng tới, đồng thời rà soát lại Chuẩn đầu ra, khối lượng đơn vị kiến thức tối thiểu của toàn bộ chương trình đào tạo nhằm đáp ứng với yêu cầu về năng lực giáo viên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.
Với sự hỗ trợ của chương trình ETEP và dự án FCB, Trường đã triển khai hàng loạt các hoạt động bồi dưỡng cán bộ quản lý, giảng viên để nâng cao năng lực đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông về: Tự chủ, quản trị đại học, giáo dục số; dạy học trực tuyến; giáo dục STEM...
Với tiềm lực của đội ngũ, Trường đã chủ động triển khai hoạt động bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý phổ thông về: Quản lý nhà trường; Tư vấn tâm lý học đường; Dạy học tích hợp; Giáo dục Stem; Dạy học định hướng năng lực. Đồng thời triển khai bồi dưỡng thăng hạng cho gần 20.000 giáo viên phổ thông tại các tỉnh: Thái Nguyên; Hà Nội; Cao Bằng; Bắc Kạn; Lào Cai; Gia Lai; Bạc Liêu; Tây Ninh; Thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hòa Bình...
Sức hút từ hoạt động nghiên cứu khoa học và quan hệ quốc tế
Trong năm 2018, Trường đã chủ trì thực hiện 05 đề tài KHCN cấp Quốc gia với tổng kinh phí thực hiện hơn 15 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Nhà trường tiếp tục triển khai thực hiện 06 đề tài Nafosted, 26 đề tài KHCN cấp Bộ và 21 đề tài KHCN cấp Đại học. Để mở rộng hoạt động KHCN, Trường đã tổ chức Hội nghị Khoa học Công nghệ và ký kết văn bản hợp tác với nhiều đối tác. Đây là Hội nghị đầu tiên được tổ chức và đã ký kết thành công với 09 đối tác, triển khai có nhiều kết quả.
Năm 2018, Trường Đại học Sư phạm có 2 công trình nghiên cứu của giảng viên trẻ gửi tham dự xét giải thưởng “Khoa học Công nghệ dành cho giảng viên trẻ trong các cơ sở giáo dục đại học”, 4 công trình nghiên cứu khoa học của sinh viên tham gia xét giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học”. Kết quả đạt được: Giải thưởng Khoa học Công nghệ dành cho giảng viên trẻ có 1 đề tài đạt giải Nhất, 1 đề tài đạt giải Ba; Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học có 1 đề tài đạt giải Nhì, 2 đề tài đạt giải Ba, 1 đề tài đạt giải Khuyến khích.
Tại kỳ thi Olympic Vật lý Sinh viên toàn quốc lần thứ XXI – 2018, đội tuyển Olympic Vật lý của Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên đã đạt được kết quả cao: Giải Nhì toàn đoàn; 2 giải Nhất, 4 giải Nhì.
Đáp ứng yêu cầu của đổi mới đào tạo giáo viên trong bối cảnh hiện nay, từ ngày 7 đến ngày 9 tháng 12 năm 2018, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên đã tổ chức Hội thảo quốc tế ICTER 2018 với chủ đề “Đào tạo giáo viên trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”. Hội thảo đã thu hút được sự quan tâm, tham gia đông đảo của 250 nhà khoa học trong và ngoài nước, trong đó có nhiều chuyên gia đến từ Mỹ, Đức, Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông, Thái Lan…
Đón chào Xuân mới, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên đồng loạt triển khai các nhiệm vụ mới:
Tiếp tục triển khai Đề án tái cấu trúc nhà trường theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Đẩy mạnh hoạt động phát triển cộng đồng học tập của giảng viên nhằm nâng cao năng lực cho giảng viên và tạo ảnh hưởng tích cực của giảng viên tới giáo viên phổ thông. Chuẩn bị nguồn lực để tham gia bồi dưỡng giáo viên, CBQLGDPT cốt cán và giáo viên, CBQLGD đại trà.
Nâng cao chất lượng đào tạo ở tất cả các trình độ đào tạo theo hướng đảm bảo chất lượng. Triển khai đánh giá 07 chương trình đào tạo theo bộ tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục – Đào tạo.
Tiếp tục triển khai các nhiệm vụ ETEP để nâng cao năng lực của Trường và đánh giá năng lực của trường theo bộ chỉ số TEIDI. Hoàn thành nhiệm vụ xây dựng khung năng lực cán bộ, giảng viên nhằm quản trị nhân sự hiệu quả.
Tiếp tục khai thác và mở rộng thị trường đào tạo ngắn hạn của các nước trên thế giới và trong khu vực, tăng tỷ lệ cán bộ đi học tập và nghiên cứu ở nước ngoài.
Tăng cường công tác quản lý sinh viên, phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể trong mọi hoạt động của nhà trường nhằm góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường.
Xây dựng kế hoạch đánh giá cán bộ, viên chức theo năng lực và chi trả lương theo năng lực và hiệu quả lao động. Đẩy mạnh việc khai thác các nguồn thu nhằm đảm bảo an toàn về tài chính theo hướng tự chủ.