Sáng ngày 12/3, tiếp tục Chương trình làm việc Phiên họp thứ 32, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi).
Báo cáo về các nội dung giải trình, tiếp thu, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho biết, dự thảo luật tập trung chỉnh lý vào một nhóm vấn đề như: Về triết lý giáo dục; hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, liên thông; Các loại cơ sở giáo dục; Chương trình, sách giáo khoa và thi tốt nghiệp THPT; Các quy định liên quan đến nhà giáo; quy định liên quan đến người học… Ngoài ra, Báo cáo còn đề cập tới một số nội dung cụ thể và kỹ thuật lập pháp.
Liên quan đến chương trình, sách giáo khoa, Chủ nhiệm Phan Thanh Bình cho hay, hiện nay quy định về chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (GDPT) trong Dự thảo Luật đã cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Nghị quyết số 88/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT.
Theo tinh thần các Nghị quyết, chương trình giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành sau khi được Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục thông qua. Sách giáo khoa là công cụ để triển khai chương trình GDPT và được thẩm định, phê duyệt, ban hành bởi Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa.
Trên cơ sở đó, Dự thảo Luật đã quy định về tiêu chuẩn, quy trình thành lập Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục, Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa; việc thực hiện chương trình GDPT thống nhất trong cả nước và được triển khai linh hoạt, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương và cơ sở giáo dục; việc ban hành quy định về chọn sách giáo khoa. Đồng thời, giao Bộ trưởng Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm về chất lượng chương trình GDPT, sách giáo khoa.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho biết, hiện nay vấn đề sách giáo khoa không sử dụng được nhiều lần, nhiều năm, nhiều loại sách tham khảo buộc học sinh phải mua đang gây phản ứng không tốt trong xã hội. Bên cạnh đó, việc quy định mỗi một môn học đều có một hoặc một số sách giáo khoa và cơ sở giáo dục lựa chọn dựa trên ý kiến của giáo viên, phụ huynh học sinh cũng gây nhiều băn khoăn trong dư luận. Việc quy định như vậy có thể phù hợp với bậc học cấp 3 nhưng lại chưa cần thiết đối với bậc học mầm non và bậc tiểu học, có thể sẽ gây lãng phí. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu lại quy định này.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề xuất, nên xây dựng một bộ sách giáo khoa chính thống do Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm. Bên cạnh đó, các chuyên gia, các tổ chức xã hội… có thể tham gia biên soạn các loại sách tham khảo theo đúng tinh thần xã hội hóa, để người học lựa chọn. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, đây là một nội dung quan trọng, trong thời gian tới cần phải đưa vào hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để thảo luận thêm.
Giải trình thêm tại Phiên họp về nội dung này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định, đổi mới chương trình giáo dục GDPT lần này rất khác, có thể nói là khác căn bản với so với trước. Lần trước đổi mới là từ sách giáo khoa nên mọi người mới nghĩ sách giáo khoa là cơ sở pháp lý để tất cả các vấn đề phải đi theo. Thậm chí tất cả các giáo viên dựa chặt vào sách giáo khoa để giảng dạy.
Cho nên xây dựng chương trình tổng thể lần này, các môn học soạn chi tiết là những nội dung rất quan trọng. Theo chỉ đạo của Quốc hội, Nghị quyết 88 và của Chính phủ, Bộ GD&ĐT chỉ đạo các chuyên gia bám sát và xây dựng khung để 80% thống nhất trong toàn quốc như pháp lệnh, 20% có sự linh hoạt của các địa phương. Như vậy chương trình tổng thể, chương trình môn học và chương trình các địa phương đã được bàn thảo, xin ý kiến rất kỹ.
“Cho đến nay, sau khi có chương trình môn học được Bộ ban hành, các địa phương đã tiếp cận triển khai. Do vậy sách giáo khoa thể hiện cụ thể, mục tiêu, phương pháp của chương trình. Người dạy theo chương trình mới không nhất thiết phải bám chặt vào sách giáo khoa mà còn nhiều tài liệu khác để khuyến khích giáo viên linh hoạt. Điểm mấu chốt của đổi mới chương trình lần này là khuyến khích đổi mới phương pháp dạy học. Chính vì vậy chương trình thống nhất trong toàn quốc, còn sách giáo khoa thì theo Nghị quyết 88”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ giải thích thêm.
Phát biểu kết thúc nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp thu, tổng hợp đầy đủ các nội dung và các ý kiến thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp hôm nay để tiếp tục nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng lại một lần nữa trước khi thảo luận các nội dung lớn của dự thảo Luật này tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách dự kiến sẽ tổ chức vào ngày 04/4 tới. Đồng thời, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng yêu cầu các bộ, ngành có liên quan cùng phối hợp với cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra để hoàn thiện toàn diện dự án Luật Giáo dục (sửa đổi)./.