Ngày 29-3, đồng chí Trịnh Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện các sở, ngành, địa phương, các trường đại học, cao đẳng… đã có buổi làm việc với Tổ công tác của Thanh tra Chính phủ về lĩnh vực quản lý Nhà nước về giáo dục – đào tạo (GD&ĐT) (ảnh).
Trong giai đoạn 2014-2018, tỉnh Thái Nguyên đã làm tốt công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực GD&ĐT trên địa bàn. Kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo Sở GD&ĐT, các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về GD&ĐT. Các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực này được quy định cụ thể, sát với thực tiễn và thuận lợi trong công tác triển khai thực hiện. Do đó, sự nghiệp GD&ĐT của tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng, vững chắc trong nhiều năm qua: Quy mô về mạng lưới trường lớp tăng nhanh, toàn tỉnh hiện có 680 cơ sở giáo dục, tăng 15 cơ sở so với thời điểm năm học 2013-2014.
Số học sinh từ cấp học mầm non đến THPT tại thời điểm tháng 12-2018 với 300.195 em (9.471 lớp), tăng 1.338 lớp và 51.867 học sinh so với thời điểm 2013-2014.
Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục từng bước nâng cao về chất lượng, bảo đảm được số lượng, tỷ lệ đạt trên chuẩn cao. Đến nay, 26/39 chỉ tiêu trong chương trình phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016-2020 đã đạt và vượt; công tác xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia đạt kết quả cao (toàn tỉnh hiện có 562/680 trường đạt chuẩn Quốc gia, đạt 82,65%)…
Ông Nguyễn Minh Mẫn, Quyền vụ trưởng Vụ III Thanh tra Chính phủ, Tổ trưởng Tổ công tác đã trao đổi với tỉnh về những nội dung: Công tác quản lý Nhà nước về GD&ĐT; kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học, nhà ở công vụ giáo viên; vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, y tế học đường, bảo đảm an toàn môi trường giáo dục.
Tại buổi làm việc đồng chí Trịnh Việt Hùng đã cảm ơn sự quan tâm, chia sẻ của Tổ công tác Thanh tra Chính phủ về công tác quản lý Nhà nước về GD&ĐT. Những nội dung mà Đoàn đề nghị, tỉnh sẽ tiếp thu và bổ sung vào báo cáo, nêu rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước của các sở, ngành địa phương. Đồng thời khắc phục những khó khăn, vướng mắc, chăm lo tốt hơn cho GD&ĐT trong thời gian tới.