So với năm 2018, Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 có một số điểm mới quan trọng, nhằm hướng đến một kỳ thi an toàn, nghiêm túc. Theo nhận xét, đánh giá của nhiều cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh trên địa bàn tỉnh, những điểm mới này vừa siết chặt kỷ luật Kỳ thi, vừa giúp học sinh giảm áp lực ôn luyện.
Nhiều biện pháp siết chặt
Một trong số điểm mới quan trọng liên quan đến Kỳ thi này là việc siết chặt công tác thi, chấm thi nhằm đảm bảo an toàn nghiêm túc và củng cố niềm tin trong xã hội. Điều này nhận được sự đồng tình cao của cán bộ quản lý ngành giáo dục, các trường đại học, cao đẳng và thầy trò các trường THPT. PGS.TS Nguyễn Quốc Tuấn, Trưởng Ban Đào tạo (Đại học Thái Nguyên) chia sẻ: Chúng tôi ủng hộ cao những điểm mới của Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019; trong đó có việc siết chặt công tác coi thi và chấm thi. Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) sẽ điều động cán bộ, giảng viên các trường đại học, cao đẳng đến các hội đồng thi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để phối hợp tổ chức thi theo nguyên tắc trường đại học, cao đẳng là hợp lý. Việc tăng tính tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp trong tuyển sinh, sẽ trên nguyên tắc không tạo xáo trộn và không thay đổi lớn so với 2018. Trên cơ sở này, công tác tuyển sinh năm 2019 của đại học không thay đổi, vẫn dựa trên kết quả thi THPT Quốc gia của thí sinh.
Dư luận cũng đồng tình những thay đổi kỹ thuật trong kỳ thi, như: Quy định chặt chẽ về sắp xếp phòng thi, kỹ thuật niêm phong, lưu trữ, bảo quản bài thi, đề thi để tăng cường bảo mật; đặt camera giám sát phòng chứa tủ đựng đề thi, bài thi 24 giờ/ngày; Bộ GD&ĐT sẽ trực tiếp chỉ đạo tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm, giao nhiệm vụ cho các trường đại học chủ trì, đặt camera giám sát phòng chấm thi 24/24 giờ; sửa đổi, nâng cấp, hoàn thiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm theo hướng tăng cường tính bảo mật và chức năng giám sát để ngăn ngừa các can thiệp trái phép… Thầy Dương Xuân Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Điềm Thụy (Phú Bình) cho biết: “Việc xử lý bài thi trắc nghiệm như một hình thức “đánh phách” điện tử phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh, để tránh người dùng can thiệp trong suốt quá trình xử lý bài thi, sẽ hạn chế tiêu cực, đảm bảo công bằng, khách quan của Kỳ thi”.
Tích cực chuẩn bị cho thí sinh
Bên cạnh những ý kiến đồng tình với phương án thi THPT Quốc gia năm 2019 của Bộ GD&ĐT, nhiều học sinh, thầy cô giáo vẫn còn một số băn khoăn liên quan đến nội dung đề thi. Có ý kiến cho rằng “Nội dung đề thi nằm trong chương trình cấp THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12” là thuật ngữ mơ hồ, bởi chưa nói rõ trong nội dung đề thi có bao nhiêu phần trăm kiến thức lớp 12 và còn lại bao nhiêu phần trăm có thể liên quan đến lớp 10, 11. Em Nguyễn Đức Minh học sinh lớp 12A6, Trường THPT Lương Ngọc Quyến (T.P Thái Nguyên) cho biết: “Khi biết thông tin về kiến thức chủ yếu trong nội dung đề thi, em rất mừng vì giảm áp lực học tập, ôn luyện sẽ nhẹ nhàng hơn. Nhưng em vẫn lo, vì nếu nói “chủ yếu là chương trình lớp 12” thì không biết có bao nhiêu phần là của lớp 10 và lớp 11”.
Đối với Trường THPT Chu Văn An (T.P Thái Nguyên), những năm qua, Trường có chủ trương tập trung ôn thi cho học sinh khối 12 chương trình lớp 12 và một số kiến thức trọng tâm, cơ bản của khối lớp 10, 11 nên khi Bộ công bố những điểm mới thì không quá bị động. Cô Nguyễn Thị Việt Hà, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: “Năm nay, Trường có 351 học sinh lớp 12 dự thi, nên ngay sau khai giảng năm học mới, Trường đã bắt tay ôn tập cho các em, tránh bị động và nâng cao hiệu quả học tập. Trường cũng đã tổ chức một lớp học bồi dưỡng cho học sinh yếu kém theo nhu cầu của học sinh và theo từng môn”. Tuy nhiên, cô Hà cũng bày tỏ băn khoăn liên quan đến cách tính điểm xét tốt nghiệp THPT. Năm 2019, điểm xét tốt nghiệp THPT gồm 70% điểm trung bình các bài thi Kỳ thi THPT Quốc gia và 30% điểm trung bình cả năm lớp 12 của thí sinh cộng với điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có). Điều này đồng nghĩa với tỷ trọng điểm bài thi trong tương quan với tỷ trọng điểm trung bình cả năm lớp 12 là 70-30. Trong khi, năm 2018, tỷ trọng này là bằng nhau 50-50.
Theo thầy Dương Xuân Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Điềm Thụy (Phú Bình), trong hai điểm mới liên quan trực tiếp đến học sinh, thì sự thay đổi trong tỷ trọng để xét tốt nghiệp THPT là rất quan trọng. Năm 2018, thí sinh đạt điểm trung bình lớp 12 được 7,0 điểm thì điểm trung bình các bài thi Kỳ thi THPT Quốc gia chỉ cần đạt 3,0 điểm là đỗ tốt nghiệp THPT. Song, năm 2019, thí sinh phải đạt điểm trung bình các bài thi Kỳ thi THPT Quốc gia 4,14 điểm mới đỗ tốt nghiệp THPT. Điểm mới này cho thấy Bộ GD&ĐT nâng cao giá trị của Kỳ thi, học sinh không nên chủ quan và cần nỗ lực tập trung ôn thi nghiêm túc. Thầy Bình nhấn mạnh: “Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các trường nhanh chóng triển khai điểm mới của Kỳ thi; điều chỉnh kế hoạch dạy học, theo hướng tập trung truyền tải nội dung kiến thức lớp 12. Các trường tiến hành dạy kiến thức mới đồng thời tổ chức ôn tập với hình thức cuốn chiếu, giúp học sinh nắm vững kiến thức một cách có hệ thống. Đồng thời yêu cầu các trường phổ thông chỉ đạo các tổ chuyên môn phân tích kỹ cấu trúc của đề thi minh họa mà Bộ GD&ĐT công bố” Với những thay đổi tích cực được hình thành trên cơ sở những bài học kinh nghiệm từ các kỳ thi trước, Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 được kỳ vọng sẽ đánh giá thực chất chất lượng dạy và học THPT.