Xây dựng chuẩn đầu ra trong đào tạo cử nhân sư phạm

15:05, 03/03/2019

Trong hai ngày 2 và 3-3, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên) tổ chức Hội nghị lấy ý kiến các bên liên quan (Nhà quản lý, nhà khoa học, cơ sở đào tạo, cơ sở tuyển dụng, các nhà trường phổ thông) trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên về việc xây dựng chuẩn đầu ra trong đào tạo cử nhân sư phạm trước yêu cầu đổi mới.

Tham dự có nhiều nhà khoa học thuộc các trường đại học, tác giả các chương trình sách giáo khoa mới và Ban Quản lý chương trình ETEP-Bộ Giáo dục và Đào tạo, các sở giáo dục và đào tạo, giáo viên. Đây là một trong những diễn đàn quan trọng để đội ngũ giáo viên phổ thông, các nhà quản lý, các nhà khoa học cũng như các cơ sở giáo dục chia sẻ những vấn đề cần thiết trong việc đổi mới và cấu trúc lại khung chương trình, nội dung đào tạo cử nhân sư phạm trong bối cảnh hội nhập quốc tế và ứng dụng công nghệ 4.0.

Hội nghị đã chia nhiều tổ nhóm thảo luận chuyên sâu, trong đó tập trung thảo luận cho 26 chương trình đào tạo cử nhân sư phạm bao gồm: Khoa học tự nhiên, Toán, Toán dạy bằng Tiếng Anh, Toán-Tin, Tin học, Vật lý, Vật lý dạy bằng Tiếng Anh, Hóa học, Hóa học dạy bằng Tiếng Anh, Sinh học, Sinh học dạy bằng Tiếng Anh, Ngữ văn, Văn-Giáo dục công dân, Giáo dục chính trị, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Tiểu học, Tiểu học-Tiếng Anh, Giáo dục học, Quản lý giáo dục, Tâm lý học giáo dục, Giáo dục Mầm non, Giáo dục Thể chất, Quốc phòng-An ninh, Sư phạm Nghệ thuật, Sư phạm Tiếng Anh. 

Để thực hiện hiệu quả các nội dung đổi mới, yêu cầu việc đào tạo giáo viên phải làm chủ được kiến thức và thực tiễn; dạy học theo hướng tiếp cận thực tế, phát huy năng lực sáng tạo, khuyến khích tư duy người học, gắn học tập với thực hành. Như vậy, trong khung chương trình đào tạo cử nhân sư phạm cần có những điều chỉnh linh hoạt và phù hợp hơn.