Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng, hoạt động hợp tác quốc tế đối với Đại học Thái Nguyên (ĐHTN) chính là cầu nối để vươn tới các tiêu chuẩn quốc tế trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu khoa học. Những năm qua, ĐHTN luôn xác định hợp tác quốc tế là một trong những giải pháp quan trọng nhằm phát triển đội ngũ, nâng cao chất lượng đào tạo, hiện đại hóa cơ sở vật chất và nâng cao khả năng cạnh tranh về giáo dục.
Trong “Chiến lược phát triển Đại học Thái Nguyên giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn 2030”, ĐHTN đã xác định: Xây dựng môi trường học tập và nghiên cứu quốc tế tại ĐHTN, đồng thời nâng cao vị thế và đưa thương hiệu ĐHTN hội nhập quốc tế. Trên cơ sở phát huy thế mạnh đặc thù của một Đại học vùng, ĐHTN đã đưa ra nhiều giải pháp thiết thực như: Tăng cường năng lực quản trị đại học theo hướng hiện đại và hội nhập quốc tế; xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO; phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên có trình độ cao thông qua việc cử đi đào tạo ở nước ngoài; nâng cao tiềm lực về khoa học và công nghệ theo chuẩn quốc tế; thúc đẩy các chương trình trao đổi học thuật; tích cực phát triển các chương trình tiên tiến và chương trình đào tạo chất lượng cao đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của vùng Trung du và miền núi Bắc bộ. Đồng thời, ĐHTN cũng xác định rõ các lĩnh vực trọng điểm theo từng giai đoạn để tập trung nguồn lực đầu tư nhằm nâng cao hiệu quả công tác hợp tác quốc tế. Về hoạt động phối hợp và liên kết, ĐHTN tạo điều kiện thuận lợi để các chuyên gia nước ngoài đến hợp tác giảng dạy và tham gia nghiên cứu khoa học; tăng cường thu hút sinh viên nước ngoài đến học tập và thực tập làm tiền đề cho việc hình thành cơ sở đào tạo quốc tế tại ĐHTN.
Tính từ năm 2006 tới nay, ĐHTN đã nhập khẩu 9 chương trình tiên tiến của nước ngoài từ các trường đại học của các nước có nền giáo dục phát triển trên thế giới như: Đại học Buffalo, California (Hoa Kỳ), Đại học De Montfort và Đại học Manchester Metropolian (Anh)..., mở 27 chương trình liên kết đào tạo quốc tế với các cơ sở giáo dục đại học các nước và vùng lãnh thổ, như: Pháp, Hàn Quốc, Philippines, Đài Loan-Trung Quốc. Bên cạnh đó, số lượng người nước ngoài đến công tác và học tập tại ĐHTN đang ngày càng tăng về số lượng và mở rộng về phạm vi nước đến. Đặc biệt, thông qua các nội dung hợp tác và các sản phẩm nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ công bố quốc tế, đến nay ĐHTN đã tiếp nhận gần 550 lượt giảng viên, chuyên gia đến giảng dạy và hơn 3.280 lượt sinh viên từ trên 20 quốc gia đến học tập, nghiên cứu và thực tập nghề nghiệp. Đến nay, ĐHTN đã thiết lập quan hệ hợp tác với các đối tác trên 100 quốc gia, vùng lãnh thổ và tổ chức quốc tế, ký kết được 382 thỏa thuận hợp tác để triển khai nhiều chương trình, dự án về giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Trong số hơn 100 chương trình, dự án quốc tế được khai thác và triển khai những năm qua, ĐHTN đã thu hút được trên 50,5 triệu USD đầu tư cho xây dựng cơ sở vật chất, đào tạo đội ngũ cán bộ, thực hiện nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Nhiều công trình lớn, phòng thí nghiệm trọng điểm được xây dựng như Trung tâm Học liệu (7,5 triệu USD), Ký túc xá Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông (2,5 triệu USD), Dự án ODA của Italia đầu tư thiết bị nghiên cứu (1,4 triệu USD)...
Thông qua các chương trình, dự án hợp tác quốc tế về phát triển nguồn nhân lực, đội ngũ cán bộ, giảng viên và sinh viên ĐHTN có cơ hội tiếp cận với những nền giáo dục hiện đại ở các quốc gia tiên tiến như Dự án Aus4skills - Úc cùng Việt Nam phát triển nguồn nhân lực, Dự án ENHANCE - Nâng cao năng lực nghiên cứu và đổi mới tại Việt Nam, Dự án ERASMUS Plus về trao đổi giảng viên, sinh viên... Tính đến nay, số cán bộ, giảng viên được cử đi học tập, bồi dưỡng, trao đổi tại nước ngoài thông qua các kênh của hợp tác quốc tế là hơn 3.140 lượt người, trong đó có hơn 600 người đi học thạc sĩ và tiến sĩ. Đây là nguồn lực quan trọng góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học tại ĐHTN.
Với những kết quả đó, ĐHTN đã và đang có những bước tiến tích cực trong việc nâng cao uy tín và năng lực cạnh tranh trong giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ. Thông qua hợp tác quốc tế và các chương trình hợp tác, liên kết đào tạo, nghiên cứu khoa học... trình độ chuyên môn, ngoại ngữ của đội ngũ cán bộ giảng dạy, cán bộ quản lý được nâng lên rõ rệt. Hiện nay, số cán bộ giảng dạy đạt chuẩn ngoại ngữ là 1.646 người (chiếm 62,80%), trong đó có 30% giảng viên sử dụng thành thạo tiếng Anh có thể làm việc trực tiếp với người nước ngoài; số cán bộ, viên chức đạt chuẩn trình độ tin học là 3.619 người (chiếm 87,31%).
Chất lượng đội ngũ được cải thiện, ngày càng nhiều sản phẩm nghiên cứu khoa học được công bố quốc tế, chính vì vậy ĐHTN đã và đang là một trong những địa chỉ tin cậy để các quốc gia, các nhà đầu tư quốc tế đặt hàng đào tạo nguồn nhân lực, như lĩnh vực y học, kỹ thuật công nghiệp, nông, lâm nghiệp, khoa học cơ bản, công nhệ thông tin và giáo dục.