Sáng 17-4, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về bảo đảm an toàn trường học và phòng, chống bạo lực học đường với 63 tỉnh, thành phố. Hơn 600 đơn vị, địa phương tổ chức theo dõi và tham gia Hội nghị tại các điểm cầu trực tuyến. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ chủ trì Hội nghị. Tại điểm cầu Thái Nguyên, Sở GD&ĐT đã tổ chức cho toàn bộ cán bộ quản lý trong Ngành tham gia Hội nghị.
Trước tình trạng an toàn trường học và bạo lực học đường có xu hướng gia tăng trước tác động mặt trái của công nghệ thông tin khiến dư luận xã hội bất bình và hoài nghi, Bộ GD&ĐT đã triển khai kế hoạch bảo đảm an toàn trường học, phòng chống bạo lực học đường năm 2019. Theo đó, ngành Giáo dục các địa phương tiếp tục tham mưu với cấp ủy, chính quyền xây dựng kế hoạch theo đặc thù địa phương, trong đó tập trung tuyên truyền, giáo dục, phối hợp giữa các ngành nhằm chủ động phòng ngừa bạo lực trường học và bảo đảm an toàn học đường.
Hội nghị cũng đã nghe 18 ý kiến tham luận, trong đó các nhà quản lý, các nhà giáo đều cho rằng vai trò giáo dục giữa gia đình và nhà trường có ý nghĩa hết sức quan trọng. Giáo viên chủ nhiệm là cầu nối trong hoạt động giáo dục văn hóa, tri thức và đạo đức, lối sống cho học sinh. Bên cạnh đó, hoạt động sư phạm mà vai trò giáo viên, tổ chức Đoàn thanh niên trong trường học và xã hội phải thực sự phát huy được năng lực là nhà giáo dục chứ không thuần túy là người “thợ” dạy học thì mới nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức, nhân cách học sinh.
Hội nghị cũng đã chỉ ra những hạn chế, tồn tại trong công tác quản lý giáo dục, quản lý thông tin, truyền thông để các sự việc diễn biến phức tạp, vượt quá ý thức chủ quan của cơ sở giáo dục cũng như những người trong cuộc, khiến dư luận bất bình và nhìn nhận thiếu thiện cảm. Việc xử lý các vi phạm đạo đức, quy định pháp luật tại các địa phương còn chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe, dẫn đến giáo viên, học sinh thiếu hụt kiến thức pháp luật và vô cảm với các sự việc, đưa thông tin thiếu khách quan…
Theo Bộ GD&ĐT, trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục rà soát và bổ sung các quy định về xử lý vi phạm đạo đức nghề, vi phạm quy định của trường học…
Đối với tỉnh Thái Nguyên, đầu tháng 4-2019, Sở GD&ĐT đã ban hành văn bản yêu cầu các trường học của Ngành về phòng, tránh tai nạn thương tích, đuối nước cho học sinh; tăng cường quản lý chặt chẽ các hoạt động của học sinh cuối năm học, đặc biệt là học sinh cuối khóa; không cho học sinh tổ chức các hoạt động tự phát…