Ngày 30-5, đồng chí Trịnh Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì Hội nghị Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới tỉnh Thái Nguyên (ảnh).
Chương trình giáo dục phổ thông mới được xây dựng theo mô hình phát triển năng lực, thông qua những kiến thức cơ bản, thiết thực, hiện đại và các phương pháp tích cực hóa hoạt động của người học, khắc phục nhược điểm của phương pháp truyền thụ một chiều; giúp học sinh phát triển một cách toàn diện. Chuẩn bị cho Chương trình, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện, thành, thị rà soát toàn bộ hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, thực trạng đội ngũ giáo viên.
Kết quả rà soát cho thấy kinh phí cần để đầu tư cơ sở vật chất như phòng học, nhà bếp thiết bị dạy học, máy tính… phục vụ cho triển khai chương trình GDPT mới tại Thái Nguyên là khoảng trên 4.000 tỷ đồng. Riêng cấp mầm non cần bổ sung 861 phòng học, 1.507 bộ thiết bị tối thiểu; cấp tiểu học cần bổ sung 777 phòng học, trên 2.300 bộ thiết bị tối thiểu và gần 16.400 bộ bàn ghế 2 chỗ ngồi....
Toàn tỉnh hiện có trên 19.000 cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, 100% đều cần được bồi dưỡng thêm để đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông mới. Song song với đó, theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỉnh Thái Nguyên cần sớm biên soạn, thẩm định, tổ chức thực hiện tài liệu giáo dục địa phương trong Chương trình giáo dục phổ thông.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Trịnh Việt Hùng đề nghị Ban chỉ đạo khẩn trương xây dựng kế hoạch, nguồn lực thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới. Cần lập tổ tư vấn, biên soạn, nghiên cứu phương án xây dựng tài liệu giáo dục địa phương, trong đó, quan tâm giáo dục về lịch sử Thái Nguyên cho học sinh phổ thông. Đồng chí cũng yêu cầu các đơn vị thành viên Ban Chỉ đạo nghiên cứu, tham góp, đề xuất vào kế hoạch triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới để sớm đưa vào thực hiện.