Trung thực trong thi cử

15:13, 11/05/2019

Đây là cụm từ được nhắc đi nhắc lại khá nhiều trong những ngày gần đây, khi mà thi cử thường niên ở các cấp học, bậc học đang đến gần. Đến giờ phút này, nhiều thí sinh được nâng điểm liên quan đến gian lận tại kỳ thi trung học phổ thông (THPT) Quốc gia năm 2018 đã bị trả về địa phương hoặc tự xin thôi học. Danh tính của họ cũng đã rõ. Sự công bằng của kỳ thi dần được lập lại dù đã muộn màng. Nhưng vẫn còn đó những lo lắng, băn khoăn, nhất là khi mùa tuyển sinh đại học lại đang đến gần.

Đây có lẽ là lần đầu việc gian lận điểm thi diễn ra ở quy mô lớn bị phát hiện. Cơ quan chức năng đã phát hiện số điểm gian lận rất lớn; nhiều thí sinh có tổng điểm chênh hơn 20 điểm so với điểm chấm thẩm định, thậm chí có thí sinh đã được nâng tổng điểm lên đến 29,95 điểm so với điểm thật. Điều khiến dư luận bàng hoàng, phẫn nộ, đó là những người tham gia quá trình gian lận lại chính là những người giữ chức trách quan trọng trong kỳ thi ở các địa phương. Lẽ ra, họ phải làm đúng trách nhiệm được cơ quan chức năng giao, nhưng họ lại biến trọng trách đó thành một thứ “quyền lực” cho riêng mình để thực hiện hành vi sai trái, bất chấp mọi quy định, quy chế. Trong vụ việc này, không thể không nhắc đến vai trò của một số phụ huynh, những người đã giúp con mình bằng sự gian lận, gây nhiễu loạn đời sống học đường, làm mất niềm tin của xã hội vào môi trường giáo dục.

Cứ mỗi mùa tuyển sinh, việc các phụ huynh chạy trường, chạy lớp cho con lại trở thành đề tài nóng của xã hội. Đã có nhiều học sinh phải chạy theo giấc mơ quá lớn của cha mẹ. Khi khả năng tự thân vận động của các em không theo kịp, một số phụ huynh đã đứng ở phía sau để gánh vác hộ. Bởi vậy, tình trạng cha mẹ “học hộ con”, chạy điểm cho con, mua thành tích cho con... không còn là hiếm. Mới đây, ở nước Mỹ, nơi mà nền giáo dục được xếp vào bậc nhất thế giới, là giấc mơ du học của không biết bao người dân Việt Nam cũng như nhiều quốc gia cũng đang lùm xùm vụ “chạy” vào các trường đại học danh tiếng. Ngay lập tức, tên của phụ huynh - những nhân vật đã dành số tiền lớn giúp con họ gian lận trong thi cử đã được công bố và họ có thể phải đối mặt với án tù lên đến 20 năm. Tại Singapore cũng vừa xử một cô giáo 3 năm tù vì đã giúp thí sinh gian lận trong thi cử mà theo nhà chức trách là đã "phá vỡ quy tắc và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đánh giá năng lực thí sinh". Cách xử lý trách nhiệm hành chính hay hình sự của các nước nêu trên cũng là những điều rất đáng lưu tâm và sự tham khảo cần thiết cho chúng ta.

Có thể nói rằng, sự trung thực là một phẩm chất quan trọng hàng đầu trên hành trình hiện thực hóa ước mơ của mỗi cá nhân. Ở mỗi người, đức tính thật thà, trung thực có ý nghĩa vô cùng quan trọng và là cơ sở để kết giao, tạo ra niềm tin và xây dựng uy tín với cá nhân, tập thể xã hội. Tính trung thực giúp con người trở nên đáng tin cậy trong mọi mối quan hệ, giao dịch. Đó là sức mạnh lớn nhất để thuyết phục người khác. Người trung thực không chấp nhận gian dối trong bất kỳ việc gì. Trung thực làm nên nhân cách con người.

Thực tiễn cuộc sống đã cho chúng ta thấy, dù nỗ lực đến đâu, cha mẹ cũng không thể “sống hộ” con cả cuộc đời. Những đứa trẻ rồi sẽ trưởng thành, sẽ đến lúc buộc chúng phải tự đứng trên đôi chân của mình. Khi phải đối diện những vấp váp trong cuộc đời, nếu oán trách hay hối hận thì cũng đã muộn. Trước mùa tuyển sinh mới, câu chuyện gian lận tại kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 là lời cảnh báo sâu sắc tới toàn xã hội, nhất là đến các bậc phụ huynh và học sinh. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt, không có vùng cấm của ngành công an và ngành giáo dục, sự việc đã được sáng tỏ, tạo hiệu ứng tích cực cho kỳ thi THPT năm nay diễn ra an toàn, minh bạch.

Đại học không phải là con đường duy nhất của mỗi người. Trước ngưỡng cửa cuộc đời, cuộc sống thực tiễn luôn có nhiều lựa chọn cho con em chúng ta. Khi biết lựa chọn ngành nghề phù hợp với năng lực bản thân, con em chúng ta sẽ tự tin, khẳng định được mình. Sau hàng loạt các vụ gian lận thi cử được đưa ra ánh sáng, dư luận mong mỏi các cơ quan và ngành giáo dục cần có sự minh bạch về trách nhiệm đối với những người có liên quan để lấy lại niềm tin của người dân về một nền giáo dục công bằng, không tiêu cực.

Trong các kỳ thi sắp tới, công nghệ sẽ được đưa vào để giám sát toàn bộ quá trình chấm thi và lưu trữ bài thi, song tất cả sẽ chỉ là hình thức nếu thiếu sự quyết tâm bài trừ gian lận của các nhà giáo cũng như các bậc phụ huynh. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã và đang tổ chức tập huấn, chuẩn bị kỹ lưỡng cho kỳ thi năm nay, đặc biệt giao trọng trách chấm trắc nghiệm cho các trường đại học hoặc trung tâm khảo thí lớn, có năng lực đảm nhiệm. Các chuyên gia cho rằng, yếu tố con người là hết sức quan trọng, tuyệt đối không chủ quan và tăng cường sự giám sát, đưa ra hoạt động phòng ngừa tiêu cực để con người không có cơ hội thực hiện tiêu cực. Cả xã hội đang kỳ vọng với nhiều đổi mới, chỉ đạo quyết liệt, chặt chẽ hơn ở các khâu từ coi thi đến chấm thi của ngành giáo dục, mùa thi năm nay sẽ không lặp lại những sai sót, tiêu cực đã xảy ra như năm trước.

Trung thực vốn là một đức tính của con người được hình thành trong cuộc sống, trong lao động, học tập, rèn luyện, công tác và trong giải quyết các mỗi quan hệ hằng ngày. Một con người trung thực là thành thực với chính mình, với người khác, luôn tuân thủ chuẩn mực đạo đức chân thật trong mỗi lời nói, cử chỉ và hành động. Đó là một trong những phẩm chất quan trọng nhất tạo nên giá trị của một con người chân chính.


Khóa học luyện thi ielts