Sau 10 năm thực hiện, cuộc vận động (CVĐ) “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục về phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp góp phần đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục. CVĐ đã trở thành suy nghĩ, việc làm, thước đo phấn đấu của nhà giáo và cán bộ quản lý của Ngành.
CVĐ “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” là sự vận dụng sáng tạo nội dung CVĐ “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” cho phù hợp với đặc thù ngành nghề của đội ngũ nhà giáo. Qua 10 năm thực hiện, CVĐ thực sự trở thành một phong trào sâu rộng, thiết thực, hiệu quả tại các đơn vị giáo dục trong toàn tỉnh. Thông qua CVĐ, phẩm chất đạo đức, chính trị của đội ngũ nhà giáo và CB quản lý GD tiếp tục được nâng cao. Điều đó thể hiện ở việc hàng vạn giáo viên giảng dạy ở vùng sâu, vùng xa không quản ngại khó khăn, bám trường bám lớp. Các thầy, cô luôn giúp đỡ đồng nghiệp, yêu nghề, thương yêu học sinh. Nhiều nhà giáo ý thức, phấn đấu vào Đảng Cộng sản Việt Nam với động cơ trong sáng. Sự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức và phấn đấu tốt về các mặt nên hằng năm có nhiều nhà giáo được kết nạp vào Đảng, tính đến tháng 4/2012, tỷ lệ đảng viên trong đội ngũ nhà giáo đạt trên 52%; trung bình mỗi năm có gần 400 đảng viên mới được kết nạp.
Bên cạnh việc tu dưỡng đạo đức, có thể khẳng định, ở các cấp học, bậc học đã dấy lên phong trào học tập và tự học trong đội ngũ nhà giáo ở các nhà trường nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, do đó tỷ lệ giáo viên có trình độ đào tạo đạt chuẩn và trên chuẩn ngày càng cao. Hiện tại số giáo viên đạt chuẩn là 100%, trong đó trên 75% giáo viên mầm non đạt trên chuẩn, 92% giáo viên tiểu học đạt trên chuẩn, 82% giáo viên THCS đạt trên chuẩn và gần 30% giáo viên THPT đạt trên chuẩn.
Việc học và tự học ngoại ngữ, tin học ngày càng được các nhà giáo coi trọng. Đa phần các giáo viên có máy vi tính, biết sử dụng công nghệ thông tin vào soạn bài, đổi mới phương pháp giảng dạy. Các cuộc thi giáo viên dạy giỏi các cấp, hội thi Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực; nữ cán bộ, giáo viên tài năng, sáng tạo... đã trở thành nền nếp của đội ngũ nhà giáo của tỉnh. Phong trào ứng dụng công nghệ thông tin, nghiên cứu khoa học, viết sáng kiến kinh nghiệm, sử dụng và tự làm đồ dùng dạy học được đẩy mạnh trong đội ngũ nhà giáo. Trong 10 năm, toàn Ngành có 31.150 đồ dùng dạy học được làm mới, cải tiến, sửa chữa phục vụ dạy học được 226.395 sản phẩm thiết bị và có 10.476 sản phẩm sáng tạo. Việc sử dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý ngày càng được tăng cường, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học.
10 năm thực hiện cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” gắn với sơ kết 2 năm thực hiện phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” (2016-2017/2017-2018), Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và Ban Thường vụ Công đoàn Ngành đã tuyên dương, khen thưởng 23 tập thể và 34 cá nhân; Công đoàn Giáo dục Việt Nam tặng Bằng khen cho 01 tập thể và 02 cá nhân; Liên đoàn Lao động tỉnh Thái Nguyên tặng Bằng khen cho 20 tập thể và 25 cá nhân có thành tích tiêu biểu trong tổ chức thực hiện cuộc vận động và phong trào thi đua.
Sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, GD&ĐT khen thưởng 24 tập thể và 39 cá nhân có thành tích xuất sắc, giai đoạn 2016-2019.
Những tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo của đội ngũ nhà giáo đã góp phần duy trì nền nếp kỷ cương trong các đơn vị giáo dục, chất lượng GD&ĐT của toàn Ngành được duy trì. Điều đó được thể hiện qua thành tích học tập của học sinh, 10 năm, toàn tỉnh có gần 100 nghìn học sinh đạt giải qua các kỳ thi HSG cấp huyện, tỉnh, quốc gia, khu vực và quốc tế, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp đạt bình quân 99%; tỷ lệ thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng của toàn Ngành tính bình quân hàng năm đạt từ 60-70%.
Từ các phong trào thi đua, CVĐ trong ngành GD&ĐT, 10 năm qua đã xuất hiện nhiều tập thể và cá nhân điển hình ở tất cả các cấp học, ngành học. Toàn Ngành có gần 10 nghìn lượt cán bộ quản lý và giáo viên được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua các cấp.
Tuy nhiên, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, việc triển khai thực hiện CVĐ “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, nhìn chung chưa có chiều sâu, chưa đều ở khắp các vùng miền trong tỉnh; chưa chú ý đầy đủ cả ba nội dung của cuộc vận động “đạo đức, tự học và sáng tạo”. Nhiều trường học và đơn vị giáo dục triển khai CVĐ vẫn còn mang tính hình thức. Một bộ phận nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục thiếu gương mẫu về đạo đức và lối sống, vi phạm qui chế chuyên môn... phải nhận những hình thức kỷ luật của Đảng, chính quyền và của các cấp trong Ngành.
Trong thời gian tới, CVĐ “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” sẽ tiếp tục được đẩy mạnh với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tọa đàm, hội thảo về những phẩm chất đạo đức nhà giáo, tôn vinh nghề dạy học, nhận thức đúng vai trò, mục đích của CVĐ; xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện CVĐ trong mỗi năm học phù hợp với thực tiễn của nhà trường và đơn vị. Cùng với đó, tổ chức CVĐ gắn liền với đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, “Dạy tốt - Học tốt” và lồng ghép với các cuộc vận động khác đang tổ chức trong nhà trường. Tăng cường công tác kiểm tra việc tổ chức thực hiện cuộc vận động; kịp thời phát hiện, biểu dương những đơn vị, cá nhân thực hiện tốt, nhân nhân rộng điển hình... Từ đó góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong đội ngũ nhà giáo về tinh thần tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, xây dựng hình ảnh cao đẹp của mỗi thầy, cô trong sự nghiệp “trồng người”.