Đào tạo gắn liền nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ

13:17, 16/06/2019

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Đại học Thái Nguyên khóa V, nhiệm kỳ 2015-2020, xác định rõ: Nghiên cứu khoa học (NCKH) và chuyển giao các tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) vào đời sống là nhân tố then chốt thúc đẩy sự phát triển của Đại học. Đội ngũ tiên phong trong việc nghiên cứu và tạo ra các giá trị mới của đời sống trong thời kỳ công nghiệp hóa-hiện đại hóa chính là đội ngũ các nhà khoa học, các giảng viên. Để hiện thực được mục tiêu đó, những năm qua, hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của Đại học Thái Nguyên luôn bám sát những yêu cầu thực tiễn cuộc sống đặt ra.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 2, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII chỉ rõ: “Các trường đại học phải là các trung tâm nghiên cứu khoa học, công nghệ, chuyển giao và ứng dụng công nghệ vào sản xuất và đời sống”. Xác định rõ trọng trách trên, trong suốt quá trình  xây dựng và phát triển, nhiệm vụ NCKH và chuyển giao tiến bộ KH&CN vào đời sống luôn được Đảng bộ Đại học Thái Nguyên (ĐHTN) xác định là một nhiệm vụ hàng đầu, không tách rời với nhiệm vụ đào tạo. Đồng thời, ĐHTN coi sản phẩm NCKH và chuyển giao công nghệ chính là sức hút cho hoạt động đào tạo, hợp tác quốc tế. Nếu như những năm 2010 trở về trước, các “sản phẩm” KH&CN của ĐHTN tập trung vào các lĩnh vực truyền thống của các ngành nông-lâm, cơ khí, kỹ thuật điện, điện tử, giáo dục sư phạm, y khoa…và giải quyết các vấn đề mang tính chất bổ sung nguồn nhân lực và ứng dụng công nghệ cho các địa phương thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội vùng miền núi.

Song trước tác động mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, công nghệ mới, công nghệ thông tin và quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, hoạt động NCKH và chuyển giao công nghệ của ĐHTN chuyển sang phương thức hoạt động mới đáp ứng yêu cầu quốc tế hóa và tiên tiến, đồng thời ưu tiên lựa chọn tính ứng dụng thực tiễn cao, có giá trị bền vững, dài hạn. Trước những yêu cầu này, đội ngũ các nhà khoa học không chỉ làm việc theo kinh nghiệm nữa, mà đòi hỏi tính thực tiễn và phát hiện mới. Song “sản phẩm” phải được quốc tế công nhận từ các hoạt động nghiên cứu và thông qua các công bố về bản quyền, về sở hữu trí tuệ và về các tiêu chuẩn mà công đồng các nhà khoa học quốc tế công nhận.

Trong giai đoạn 2014-2019, hoạt động NCKH và chuyển giao các tiến bộ KH&CN của ĐHTN đã có những bước phát triển mạnh mẽ cả về lượng và chất, thu được những thành tựu nhất định: Toàn Đại học đã triển khai thực hiện 68 đề tài KH&CN cấp Nhà nước, 139 đề tài KH&CN cấp bộ, 336 đề tài KH&CN cấp ĐHTN. Đặc biệt, các nhà khoa học của ĐHTN đã công bố 438 bài bài báo khoa học trên các tạp chí ISI/SCOPUS, 735 bài báo khoa học trên các tạp chí khoa học và công nghệ quốc tế có uy tín khác. Nếu như năm 2014, toàn ĐHTN mới có 36 bài báo (công trình nghiên cứu khoa học) được công bố quốc tế, thì đến nay đã đạt con số hàng trăm “sản phảm” là các bài báo công bố quốc tế mỗi năm.

Để đạt được những thành tích ấn tượng này, ĐHTN luôn chú trọng đến việc thực hiện các nhiệm vụ KH&CN ở cấp cơ sở và NCKH của sinh viên nhằm góp phần nâng cao năng lực NCKH của giảng viên trẻ và sinh viên. Nhiều công trình NCKH của sinh viên và giảng viên ĐHTN đã đạt các giải thưởng cao tại các cuộc thi cấp nhà nước, bộ, ngành như: Giải thưởng NCKH toàn quốc; giải thưởng Eureka; giải Nhất giải thưởng Khoa học và Công nghệ toàn quốc dành cho giảng viên trẻ năm 2018 của TS. Nguyễn Hữu Quân-Trường Đại học Sư phạm; giải Nhất “Tri thức trẻ vì giáo dục” năm 2018 của nhóm các giảng viên trẻ Phân hiệu ĐHTN tại Lào Cai…Nhiều nhà khoa học của ĐHTN cũng được vinh danh tại các giải thưởng dành cho các nhà khoa học xuất sắc như giải thưởng Kovalevskaia năm 2014 của GS.TS. Nguyễn Thị Kim Lan -Trường Đại học Nông Lâm; giải thưởng Elsevier Foundation của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Hoa kỳ năm 2015 lĩnh vực Toán học của TS.Đặng Thị Oanh-Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông.

Song song với việc triển khai các đề tài/dự án KH&CN các cấp, trong những năm qua, ĐHTN rất quan tâm và tăng cường mối quan hệ với địa phương, tiếp cận với các chương trình chuyển giao khoa học công nghệ. Đặc biệt là Chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật giữa UBND tỉnh Thái Nguyên và ĐHTN giai đoạn 2016-2020 với tổng kinh phí là 100 tỷ đồng; Chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học và phát triển chương trình đào tạo với UBND tỉnh Lạng Sơn. Chuyển giao công nghệ cũng như triển khai các đề tài nghiên cứu theo đơn đặt hàng của các địa phương thu được kết quả đáng ghi nhận, toàn ĐHTN đã có hơn 500 sản phẩm là các quy trình công nghệ, các sản phẩm ứng dụng thực tiễn được nghiệm thu và chuyển giao cho các địa phương, doanh nghiệp.

Từ hiệu quả hoạt động NCKH và chuyển giao công nghệ ĐHTN đã nhanh chóng tạo được sự quan tâm của cộng đồng các nhà khoa học quốc tế và trở thành đối tác hoặc liên kết đào tạo, nghiên cứu khoa học với cá quốc gia, vung lãnh thổ. Trong 5 năm trở lại đây (2015-2019), ĐHTN đã mở 27 chương trình liên kết đào tạo quốc tế với các cơ sở giáo dục đại học các nước và vùng lãnh thổ, như:  Pháp, Hàn Quốc, Philippines, Đài Loan-Trung Quốc. Bên cạnh đó, số lượng người nước ngoài đến công tác và học tập tại ĐHTN ngày càng tăng về số lượng và mở rộng về phạm vi nước đến. Đến nay ĐHTN đã tiếp nhận gần 550 lượt giảng viên, chuyên gia đến giảng dạy và hơn 3.280 lượt sinh viên từ trên 20 quốc gia đến học tập, nghiên cứu và thực tập nghề nghiệp. ĐHTN đã thiết lập quan hệ hợp tác với các đối tác trên 100 quốc gia, vùng lãnh thổ và tổ chức quốc tế, ký kết được 382 thỏa thuận hợp tác để triển khai nhiều chương trình, dự án về giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học. Trong số hơn 100 chương trình, dự án quốc tế được khai thác và triển khai những năm qua ĐHTN đã thu hút được trên  50.5 triệu USD đầu tư cho xây dựng cơ sở vật chất, đào tạo đội ngũ cán bộ, thực hiện nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.

Với những thành tựu NCKH và chuyển giao công nghệ đạt được trong những năm qua, ĐHTN đã và đang hiện thực hóa mục tiêu đào tạo theo nhu cầu xã hội, lấy ứng dụng KH&CN làm nòng cốt để tham gia vào các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội các vùng, các địa phương. Thông qua các "sản phẩm” khoa học  đã tạo những bước tiến tích cực trong việc nâng cao uy tín và năng lực cạnh tranh trong giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ của ĐHTN đáp ứng quá trình hội nhập quốc tế.