Chất lượng là yếu tố hàng đầu, không có chất lượng thì cơ sở giáo dục đào tạo khó có thể tồn tại. Kết quả Kỳ thi THPT Quốc gia và Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm 2019 của tỉnh được đánh giá là an toàn, nghiêm túc, phản ánh đúng thực chất, song còn một số vấn đề khiến dư luận băn khoăn.
Kết quả thi THPT Quốc gia 2019, tỷ lệ tốt nghiệp toàn tỉnh đạt 91,81% và điểm trung bình các môn thi đạt 5,02, cao hơn năm 2018 là 0,22 điểm (4,80). Với kết quả này có thể thấy chất lượng bình quân qua điểm thi tốt nghiệp toàn tỉnh là có cải thiện tích cực. Bởi cách tính điểm mỗi năm của các kỳ thi có khác nhau, nên tỷ lệ tốt nghiệp và phổ điểm bình quân cũng có sự chênh lệch. Tại kỳ thi THPT 2018, cách tính điểm xét tốt nghiệp là cộng 50% điểm trung bình cả năm lớp 12 với 50% điểm thi và điểm ưu tiên, khuyến khích; còn năm 2019 là cộng 30% điểm trung bình cả năm lớp 12 với 70% điểm thi và điểm ưu tiên, khuyến khích. Đối chiếu kết quả tốt nghiệp THPT năm 2019 so với các năm trước cũng có thể thấy tỷ lệ tốt nghiệp THPT luôn đạt mức trên 90%: Năm 2015, tỷ lệ tốt nghiệp đạt 91,44%, năm 2016 đạt 91,57%, năm 2017 đạt 96,6%, năm 2018 đạt 97,39%.
Tuy nhiên, trên bảng xếp hạng tỷ lệ tốt nghiệp của các tỉnh, Thái Nguyên không được đứng ở thứ hạng cao, chưa tương xứng với tiếm năng là trung tâm giáo dục của vùng và khu vực. Điều này đã khiến dư luận không khỏi băn khoăn. Đặc biệt, có đến 71 bài thi điểm liệt, trong đó có bốn điểm 0 của môn Ngữ văn.
Nhìn lại với Kỳ thi THPT Quốc gia 2019, có thể thấy những yếu tố ảnh hưởng đến tỷ lệ tốt nghiệp chung của tỉnh, đồng thời cũng bộc lộ những chênh lệch về chất lượng của các hệ đào tạo và các khu vực trên địa bàn toàn tỉnh. Trong số 13.976 thí sinh dự thi, tỷ lệ tốt nghiệp là học sinh hệ THPT chiếm 95,29%, tỷ lệ tốt nghiệp là học sinh hệ Giáo dục thường xuyên (GDTX), thí sinh tự do chỉ đạt trên 76% (toàn tỉnh có trên 2.000 thí sinh thuộc diện này điểm trung bình tốt nghiệp THPT chỉ đạt 3,7 điểm). Có thể thấy tương quan tỷ lệ điểm bình quân của các đối tượng dự thi chênh lệch về chất lượng. Điều này đồng nghĩa với chất lượng giáo dục của hệ GDTX còn có khoảng cách xa với giáo dục THPT. Có nhiều nguyên nhân về chất lượng đào tạo hệ GDTX chưa cao, song còn có vấn đề do lưu lượng học sinh từ các tỉnh miền núi và học sinh tham gia học nghề tại địa bàn tỉnh ngày càng tăng (năm 2017 có 4.000 em, đến nay tăng lên gần 6.000 em). Nhóm đối tượng học sinh này phần lớn không tham gia, hoặc không đủ điều kiện tuyến sinh vào lớp 10 THPT, nên chất lượng đầu vào của hệ GDTX thấp hơn hệ THPT.
Có một nguyên nhân nữa khiến thứ hạng về tỷ lệ tốt nghiệp THPT của tỉnh Thái Nguyên chưa cao so với toàn quốc, đó là tỷ lệ học sinh lớp 12 dự thi đa số chỉ coi trọng việc học và thi các môn để xét tuyển sinh đại học, dẫn đến có không ít tình trạng thí sinh làm bài thi đối phó để qua điểm liệt, đủ xét tốt nghiệp THPT. Chính vì vậy, đã có tình trạng thí sinh đạt điểm xét tuyển đại học cao (22 điểm/3 môn) nhưng vẫn trượt tốt nghiệp do bị điểm liệt một môn trong tổ hợp xét tốt nghiệp. Kỳ thi năm nay, toàn tỉnh có hơn 63% thí sinh dự thi với mục đích xét tuyển đại học. Trong khi đối với tỉnh Bắc Kạn (là tỉnh có vị trí xếp hạng tỷ lệ tốt nghiệp THPT cao hơn Thái Nguyên) lại chỉ có trên 30% thí sinh tham dự thi với mục đích xét tuyển đại học. Một số trường THPT có phổ điểm bình quân tại tốt nghiệp năm nay thấp còn do khâu tư vấn và định hướng nghề nghiệp, mục đích tham dự kỳ thi của nhà trường chưa tốt. Chính vì vậy, tại kỳ thi năm 2019 toàn tỉnh có đến gần 1.000 thí sính dự thi cả 2 môn tổ hợp (tự nhiên và xã hội). Số học sinh này sẽ phải thi đủ cả 9 môn, thay vì chỉ thi 6 môn như phần lớn các thí sinh khác. Chính vì vậy, thời gian ôn tập cho mỗi bài thi của từng môn là sẽ không nhiều và khó có thể nắm bắt tất cả nội dung cơ bản kiến thức của từng môn, từng lĩnh vực, dẫn đến kết quả điểm thi không cao.
Từ thực tế này có thể thấy, vấn đề phân luồng, sàng lọc và phân loại chất lượng dạy và học trong hệ thống giáo dục phổ thông nói chung cần thường xuyên, liên tục. Bên cạnh đó các nhà trường cần có những biện pháp tích cực trong việc bồi dưỡng học sinh, nhất là học sinh yếu kém, đồng thời có sự tư vấn tích cực, cải thiện chất lượng đào tạo thì mới có sức hút đối với người học. Đồng thời đây cũng là vấn đề sống còn, quyết định đến sự tốn tại của cơ sở giáo dục trong tương lai.