Viện lý do xã hội hóa giáo dục, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã đầu tư lắp máy điều hòa, lớp có lớp không, tạo ra sự kỳ thị với phụ huynh đóng góp ít, phân biệt học sinh nhà giàu, nhà nghèo... Phải chăng môi trường giáo dục đang dần phải “nhường chân” cho xã hội hóa một cách vô tội vạ để rồi chi phối đến các hoạt động giáo dục trong nhà trường?
Đầu năm học 20192020, không ít phụ huynh có con học lớp 6 tại Trường THCS Nha Trang (T.P Thái Nguyên) tỏ ra không hài lòng khi đặt vấn đề với Nhà trường để tự góp tiền lắp đặt điều hòa vào phòng học của con mình. Cô giáo Nguyễn Việt Hà, Hiệu trưởng Nhà trường chia sẻ: “Thực tế có một số gia đình điều kiện kinh tế khá giả, họ sẵn sàng hỗ trợ, đầu tư cho con em họ. Có gia đình tự nguyện đặt vấn đề mua mới điều hòa lắp cho lớp có con đang học, gia đình nào góp bao nhiêu không bắt buộc, gia đình nào không có thì thôi… Rồi có lớp Ban đại diện hội cha mẹ học sinh đề nghị lắp riêng hệ thống lọc nước uống hàng ngày loại đắt tiền ngay trong phòng học cho con họ và cả lớp sử dụng… Nhưng với học sinh THCS thì sau 45 phút lại giải lao, các em ra vào liên tục… thì điều hòa không phát huy được hiệu quả. Chưa kể hệ thống điện của Trường đã cũ, lại không thiết kế từ đầu để tải thêm điều hòa. Phòng học đã thiết kế đúng tiêu chuẩn, không thể lắp hệ thống nước lọc riêng… Nên Trường cũng đành cảm ơn và từ chối”.
Thầy giáo Dương Duy Hưng, Hiệu trường Trường Tiểu học Trưng Vương (T.P Thái Nguyên) cho biết: Dù là tự nguyện, nhưng có không ít hoàn cảnh gia đình khó khăn nên đã “âm thầm” phản ứng mà không dám lên tiếng, để rồi Ban Giám hiệu phải lên tiếng. Trường thực hiện nghiêm túc hướng dẫn về chủ trương xã hội hóa giáo dục (XHHGD), nên không huy động đóng góp của phụ huynh, đồng thời yêu cầu Ban đại diện Hội phụ huynh trả lại tiền cho các phụ huynh khác. Tuy nhiên, giáo viên chủ nhiệm, thậm chí Ban Giám hiệu nhận không ít lời chỉ trích, phản ứng cay nghiệt: Con tôi, tôi lo, nhà khác không lo được, chúng tôi tài trợ. Các thầy, cô không nghĩ đến việc con em chúng tôi đang phải chịu khổ hay sao?... Nhà trường phải giải thích rất cặn kẽ: Đây là quy định chung, không có yếu tố ngoại lệ. Thực tế khi xây dựng, Nhà trường cũng chưa thiết kế hệ thống điện đủ để lắp điều hòa. Và nếu làm như vậy sẽ có sự phân biệt trong trường học, rất phản giáo dục trong môi trường giáo dục. Cuối cùng thì chúng tôi nhận lại những lời chỉ trích… thậm chí mang tiếng trên cả mạng xã hội”. Trao đổi với chúng tôi, Nhà giáo ưu tú, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo T.P Thái Nguyên Nguyễn Thị Quốc Hòa cho biết thêm: Đầu năm học 2019-2020 này, toàn ngành cũng đã chấn chỉnh những biểu hiện thu ngoài quy định của Ban đại diện cha mẹ học sinh, như: Thu tiền mua sắm bàn ghế mới cho học sinh, tăng cường một số thiết bị giáo dục, góp quỹ để tổ chức ngày 20-11, tiền tài trợ phân bổ đồng đều cho từng học sinh trong lớp học… Thực tế đây là một trong những nhu cầu mà một số cha mẹ các em mong muốn… Nhưng quan điểm của toàn ngành là không vì động cơ một vài cá nhân mà làm ảnh hưởng đến môi trường giáo dục. XHHGD là rất đáng khuyến khích, nhưng nó phải vì mục tiêu cho sự nghiệp giáo dục chứ không vì động cơ cá nhân. ơ một số trường có hiện tượng phụ huynh viện lý do XHHGD để thu tiền hoặc đầu tư vào lớp học đa số là vì động cơ cá nhân, vì mục đích cho con mình học tại đó thụ hưởng những điều kiện tốt hơn mặt bằng chung, chứ không vì mục tiêu cho môi trường giáo dục hiện đại, tốt hơn. Chính điều này vô hình đã can thiệp sâu vào hoạt động giáo dục trong môi trường sư phạm, gây bất công bằng. Nếu như làm tốt công tác XHHGD, thì đây là nguồn lực quan trọng để hỗ trợ giáo dục phát triển. Muốn vậy, giáo viên phải thực sự gương mẫu, bản lĩnh, còn phụ huynh phải có trách nhiệm với giáo dục, dám lên tiếng với những biểu hiện chưa đúng hoặc vì động cơ cá nhân của một số gia đình, thì chúng ta mới có một môi trường giáo dục lành mạnh”.
Một trong những điểm nổi bật trong công tác XHHGD của T.P Thái Nguyên những năm gần đây chính là sự phát triển nhanh của các trường ngoài công lập. Toàn Thành phố hiện có 19 trường mầm non tư thục và dân lập, 20 nhóm trẻ. Đây chính là nguồn lực hỗ trợ giảm quá tải tại các trường công lập khi điều kiện ngân sách đầu tư còn hạn chế. Theo đó, học sinh với những điều kiện và hoàn cảnh khác nhau sẽ có nhiều sự lựa chọn cơ hội học tập, chăm sóc và rèn luyện. Ngoài việc góp phần mở rộng quy mô và điều kiện học tập cho con em nhân dân, các trường ngoài công lập còn có những thế mạnh như tự quyết định mức học phí, thù lao giáo viên thỏa đáng, có điều kiện thúc đẩy nâng cao chất lượng chuyên môn và chọn lựa giáo viên giỏi cho nhà trường.