Sẽ có 12 đội tham gia vòng chung kết Cuộc thi “Hùng biện tiếng Việt cho lưu học sinh Lào tại Việt Nam”

11:27, 07/11/2019

Ngày mai (8-11), tại Đại học Thái Nguyên diễn ra chung kết Cuộc thi “Hùng biện tiếng Việt cho lưu học sinh Lào tại Việt Nam” năm 2019. Cuộc thi do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào và Đại học Thái Nguyên phối hợp tổ chức. Đây là lần đầu tiên cuộc thi được tổ chức với quy mô toàn quốc nhằm mục đích tăng cường giao lưu văn hóa Việt Nam - Lào, đồng thời tạo dựng sân chơi, giúp nâng cao trình độ tiếng Việt cho lưu học sinh Lào trong thời gian học tập và sinh sống tại Việt Nam.

Với chủ đề “Việt Nam đất nước tôi yêu", cuộc thi khuyến khích các lưu học sinh Lào chia sẻ những hiểu biết về đất nước, con người và văn hóa Việt Nam; những kỷ niệm sâu sắc về cuộc sống, học tập và sinh hoạt tại Việt Nam. Các em lưu học sinh Lào, với kiến thức, sự trải nghiệm và tình cảm của mình đối với Việt Nam sẽ dùng chính tiếng Việt để thể hiện những điều mà các em tâm đắc nhất.

Được phát động từ tháng 8-2019, Cuộc thi “Hùng biện tiếng Việt cho lưu học sinh Lào tại Việt Nam” năm 2019 đã thu hút được đông đảo các trường đại học, cao đẳng đang có lưu học sinh Lào học tập, nghiên cứu hưởng ứng tham gia. Vòng sơ khảo được tổ chức tại ba miền Bắc, Trung, Nam khảo đã chứng kiến sự tranh tài rất sôi nổi, quyết liệt của 67 đội thi đến từ 67 cơ sở giáo dục có truyền thống đào tạo lưu học sinh Lào, thu hút gần 2000 lưu học sinh Lào và hàng ngàn sinh viên Việt Nam tham gia.

12 đội đoạt giải nhất, nhì ở vòng sơ khảo đã được lựa chọn để tham dự chung kết Cuộc thi “Hùng biện tiếng Việt cho lưu học sinh Lào tại Việt Nam” năm 2019 bao gồm: Học viện Ngoại giao; Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên; Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp - Đại học Thái Nguyên; Trường Đại học Giao thông vận tải; Trường Đại học Ngoại thương; Trường Đại học công nghiệp Quảng Ninh; Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Vinh; Trường Đại học Y dược - ĐH Huế; Trường Đại học Hồng Đức; Trường Đại học Đồng Nai; Trường Đại học Cửu Long; Trường Đại học Sư phạm TP.HCM.

Các đội tại đêm chung kết sẽ tranh tài hùng biện theo chủ đề: “Việt Nam - Đất nước tôi yêu”. Mỗi thí sinh sẽ trình bày phần thi hùng biện của mình bằng tiếng Việt với chủ đề tự chọn, đồng thời có thể sử dụng các hình thức minh họa kèm theo để tăng tính hấp dẫn, thuyết phục cho phần thi.

Ban Tổ chức sẽ trao 1 giải đặc biệt: 20.000.000 đồng + cờ lưu niệm, Bằng khen của trung ương Hội hữu nghị Việt Nam - Lào; 1 giải nhất: 15.000.000 đồng + cờ lưu niệm, giấy khen; 3 giải nhì, mỗi giải trị giá: 10.000.000 đồng + cờ lưu niệm, giấy khen; 7 giải giải ba, mỗi giải trị giá: 5.000.000 đồng + cờ lưu niệm, giấy khen; các Giải phụ: 1.000.000 đồng + cờ lưu niệm, giấy khen.

Bên cạnh hoạt động chính là chung kết Cuộc thi “Hùng biện tiếng Việt cho lưu học sinh Lào tại Việt Nam”, Ban Tổ chức phối hợp với Đại học Thái Nguyên tổ chức nhiều hoạt động phong phú khác như: Triển lãm Không gian Văn hóa Việt Nam - Lào tại Trung tâm Hội nghị Đại học Thái Nguyên; Chương trình giao lưu văn hóa văn nghệ Việt Nam-Lào; Thăm quan khu di tích lịch sử ATK Định hóa, Thái Nguyên.

Triển lãm Không gian văn hóa Việt Nam - Lào là nơi trưng bày các hình ảnh, hiện vật gắn với các sự kiện lịch sử quan trọng trong quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước Việt Nam - Lào. Đây cũng là nơi trưng bày các trang phục, công cụ lao động, nhạc cụ, ẩm thực, tái hiện các hoạt động văn hóa - văn nghệ, sinh hoạt cộng đồng của cư dân 2 vùng văn hóa Đông Bắc và Tây Bắc, trong đó có văn hóa thưởng trà đặc trưng của vùng chè Thái Nguyên. Ban tổ chức cũng bố trí một sân khấu biểu diễn giao lưu văn hóa Lào - Việt để tổ chức các hoạt động như nhảy sạp, múa hát...

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện nay có trên 16.000 lưu học sinh Lào đang học tập tại Việt Nam, ở nhiều bậc học khác nhau cùng với đủ các ngành nghề và lĩnh vực mà nước bạn Lào đang rất cần cho công cuộc đổi mới, phát triển và hiện đại hoá. Mặc dù có những khó khăn ban đầu về ngôn ngữ, điều kiện sinh hoạt nhưng với sự giúp đỡ nhiệt tình của đội ngũ giảng viên, sinh viên và người dân Việt Nam cùng với sự chủ động, sáng tạo của các cơ sở giáo dục trong việc tổ chức các hoạt động đào tạo, lưu học sinh Lào đều đã vượt qua rào cản khó khăn về ngôn ngữ, văn hóa, hoàn thành chương trình học.