Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc Việt Nam đã đi vào huyền thoại. Nhưng hằng năm, những ngày của tháng 12, nhân dân cả nước lại có dịp chung vui, mừng Ngày hội Quốc phòng toàn dân và Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam. Một đội quân từ chân đất, áo vải năm xưa đã từng bước trở lên tinh nhuệ, hiện đại về mọi mặt. Giữa cờ hoa rực rỡ, lòng người lắng lại, hoài nhớ về một thời chưa xa, Thái Nguyên trở thành an toàn khu kháng chiến. Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị, nhiều cơ quan quan trọng của Đảng, Chính phủ đã chọn đặt đại bản doanh giữa sự che trở, đùm bọc của nhân dân. Đặc biệt là sau lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh (rạng sáng 20/12/1946), Thái Nguyên được Chính phủ, Bộ Tổng Tham mưu tin tưởng, xây dựng 2 xưởng chế tạo binh khí đặc biệt tại thị trấn Giang Tiên (Phú Lương) và xã Phú Lạc (Đại Từ).
Tất cả đã đi vào huyền thoại, bởi những người trực tiếp tham gia gia công, chế tạo vũ khí, đạn dược phần nhiều đã trở về với thế giới người hiền. Còn địa điểm đặt nhà xưởng sản xuất trở thành dấu tích lịch sử, trường tồn cùng thời gian. Và mỗi ngày, bên Di tích là từng câu chuyện nhắc nhớ về một thời cha anh đi trước, đã làm nên những điều kỳ diệu khiến cả thế giới phải nể phục. Bởi bằng công nghệ sản xuất đơn giản, như đe, búa, quạt lò chạy… bằng chân hoặc quay tay, cùng một số máy móc cơ bản là thủ công, nhưng đội ngũ người thợ bấy giờ đã gia công, chế tạo ra nhiều loại vũ khí, đạn dược cung cấp cho tiền tuyến, góp phần cùng cả nước làm nên thắng lợi Điện Biên Phủ, lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Vẫn còn đây khu đồi Sọ Sáy, xóm Đồng Vòng, xã Phú Lạc (Đại Từ). Thời 9 năm kháng chiến, cả một vùng đồi đất này thưa dân, dày rừng nên được Cục Quân giới chọn làm địa điểm sản xuất vũ khí. Đó là Xưởng Quân giới H53. Sử sách còn ghi: Khu nhà xưởng là các nhà mái lán, nhiều loại máy chế tạo được gông vào cây gỗ cho dễ di chuyển. Vậy nhưng, Xưởng đã sản xuất được rất nhiều loại mìn, lựu đạn, đạn pháo cối và đạn cung cấp cho các đơn vị chiến đấu.
Lán trại sản xuất đơn sơ, cách xa khu dân cư, nằm ẩn lấp trong các khu rừng và được bảo vệ nghiêm ngặt. Từng loại đạn dược mới được sản xuất, đều được Cục trưởng Cục Quân giới Trần Đại Nghĩa trực tiếp thử nổ, đánh giá khả năng công phá. Đặc biệt là loại đạn SKZ có sức công phá mạnh, khả năng sát thương cao. Sau khi được chế tạo, quả đạn đầu tiên được kỹ sư Trần Đại Nghĩa khai hỏa thực nghiệm bằng cách bắn thẳng vào một đồn lính Pháp ở Bắc Giang. Khi thấy đạn, mìn thật sự có chất lượng mới cho sản xuất hàng loạt để cung cấp cho các mặt trận… ông Trương Văn Bắc, Phó Chủ tịch UBND xã tự hào: Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, cán bộ, nhân dân xã Phú Lạc không ngừng vươn lên trong phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Từ nhiều năm gần đây, Di tích lịch sử cách mạng - Xưởng Quân giới H53 đã trở thành một điểm đến của nhân dân, du khách vào các kỳ nghỉ cuối tuần.
Rời Di tích Xưởng Quân giới H53, chúng tôi về huyện Phú Lương, đến đồi Tây Máy, thị trấn Giang Tiên, thăm Địa điểm Xưởng Quân giới - nơi chế tạo thành công súng Bazôka của quân đội ta. Xưởng được xây dựng năm 1946, là nơi chế tạo một số loại vũ khí, đạn dược phục vụ các đơn vị chiến đấu. Sử sách còn chép lại: Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, hầu hết vũ khí, đạn dược trang bị cho lực lượng vũ trang được thu lại từ Bảo an binh và quân Nhật Pháp. Khắc phục tình trạng thiếu vũ khí, đạn dược, bảo đảm chiến đấu cho bộ đội chủ lực và các lực lượng vũ trang, nên tại nhiều tỉnh trong cả nước, các xưởng quân giới được dựng lên để sản xuất các loại binh khí, trang bị cho các lực lượng vũ trang, dân quân, du kích. Với Xưởng Quân giới ở thị trấn Giang Tiên, ngoài chế tạo, gia công một số loại đạn dược, còn là nơi kỹ sư Trần Đại Nghĩa, Cục trưởng Cục Quân giới chế tạo thành công súng Bazôka vào tháng 2-1947. Súng được chế tạo theo nguyên mẫu của súng aTM 6A1 của Mỹ. Súng Bazôka, loại hỏa lực mạnh được bộ đội ta sử dụng đánh xe tăng và tàu chiến Pháp rất hiệu quả.
Bà Phạm Thị Lan anh, Trưởng Phòng Văn hoá và Thông tin huyện Phú Lương cho biết: Năm 2004, Địa điểm Xưởng Quân giới được công nhận Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Hiện Di tích còn nhiều dấu tích nguyên trạng, như: Móng, trụ bê tông cốt thép, bể nước…, toàn bộ khu vực sản xuất vũ khí có diện tích khoảng 5.000m2 được giao cho địa phương trông nom, bảo vệ và phát huy giá trị. Còn bà Phạm Kim Oanh, Chủ tịch UBND thị trấn Giang Tiên chia sẻ: Từ nhiều năm nay, Di tích - ngoài ý nghĩa là điểm đến, còn là nơi có môi trường tốt để cán bộ, giáo viên giảng dạy bài học lịch sử cho các thế hệ học trò. Cũng hằng năm, vào các dịp lễ, Tết, Đoàn trường tổ chức cho học sinh đến thăm di tích, kể chuyện lịch sử và tổ chức cho học sinh tham gia lao động, phát nhổ cỏ, quyét dọn Khu di tích, tạo cảnh quan sạch, đẹp, phục vụ nhân dân, du khách đến tham quan.
Trao đổi với chúng tôi, bà Trần Thị Nhiện, Trưởng Phòng Quản lý Di sản văn hoá (Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch) cho biết: Trên địa bàn tỉnh hiện có 510 di tích lịch sử được kiểm kê, bảo vệ theo Luật Di sản. Hầu hết các di tích này được khai thác, phát huy giá trị qua hoạt động du lịch… Còn với riêng 2 di tích là Xưởng Quân giới ở Đại Từ và Phú Lương, nhiều cựu chiến binh khi đến tham quan đã nói: Đây là 2 xưởng chế tạo binh khí đặc biệt của Quân đội được đặt tại Thái Nguyên, vì đã chế tạo ra 2 loại hỏa lực mạnh là súng Bazôka và đạn SKZ. Giai đoạn năm 1946 - 1954, đây là một trong những loại vũ khí được ví là “Vua chiến trường”, làm quân lính Pháp khiếp đảm.