Đảm bảo bữa ăn cho học sinh bán trú

12:05, 13/01/2020

Trên địa bàn huyện Đại Từ hiện có 40 trường mầm non, 6 trường tiểu học đang tổ chức nấu ăn bán trú cho học sinh. Tại các nhà trường, nhu cầu sử dụng thịt lợn để chế biến thức ăn là rất lớn. Trước tình hình giá thịt lợn tăng, các nhà trường đang gặp khó khăn trong việc cân đối bữa ăn cho học sinh. Điều chỉnh giá các bữa ăn, thay đổi thực đơn thêm phong phú, đa dạng là giải pháp được các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn huyện Đại Từ áp dụng.  

Thịt lợn là nguồn nguyên liệu chính để chế biến các món ăn cho bữa ăn bán trú của học sinh. Tuy nhiên, hiện nay, giá thịt lợn từ 100-150 nghìn đồng/kg, trong khi trước đây chỉ dao động từ 75-80 nghìn đồng/kg, tăng gấp đôi so với trước. Chị Đinh Thị Vân, Tổ trưởng Tổ nhà bếp Trường Mầm non Phú Thịnh cho biết: Khi giá thịt lợn chưa tăng thì lượng thịt lợn trong các bữa ăn của học sinh có thể dôi dư hơn. Giờ tăng giá, lượng thịt lợn các nhà trường mua vào đã giảm từ 10-20%, nên việc cân đối món ăn trở nên khó khăn hơn. Trong bối cảnh giá thịt lợn tăng thì việc cân đối các nhóm thực phẩm để bữa ăn đảm bảo cho các con ăn ngon miệng, đủ dinh dưỡng được nhà trường cũng như phụ huynh học sinh đặc biệt quan tâm. 

Theo Bà Vũ Thị Lan Anh, Phó Trưởng Phòng Giáo dục - Đào tạo (GD&ĐT) huyện Đại Từ: Trước thực tế giá thịt lợn tăng ảnh hưởng đến bữa ăn bán trú của học sinh, chúng tôi đã nắm bắt và chỉ đạo các trường làm việc với phụ huynh học sinh về việc đóng góp thêm kinh phí (1.000 đồng/ngày) kịp thời điều tiết bữa ăn hợp lý để đảm bảo dinh dưỡng cho học sinh theo Thông tư số 28 của Bộ GD&ĐT. Nhận được sự ủng hộ của đông đảo phụ huynh, hiện, bữa ăn của học sinh mầm non dao động từ 14-15 nghìn đồng/ngày, đối với bậc tiểu học là 15-16 nghìn đồng/ngày. Mức thu sẽ được điều chỉnh, thay đổi linh hoạt theo giá cả thực phẩm trên thị trường. 

Ngoài huy động phụ huynh đóng góp thêm kinh phí, trong tình hình giá thịt lợn tăng, nhiều trường học trên địa bàn huyện Đại Từ đã điều chỉnh thực đơn các bữa ăn thêm đa dạng, phong phú mà vẫn đảm bảo đủ dinh dưỡng. Bà Nguyễn Thúy Hằng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Đồng cho hay: Nhà trường đang tổ chức cho 324 học sinh ăn bán trú. Trong tình hình giá thịt lợn tăng, Nhà trường đã đưa ra giải pháp chỉ đạo Tổ nhà bếp cân đối lượng thức ăn, cách thức chế biến các món ăn đa dạng. Lượng thịt lợn giảm nhưng phải tăng thêm các thức ăn như trứng, đậu phụ; các thực phẩm giàu đạm thực vật. Chẳng hạn như đối với món nem, khi chế biến, chúng tôi giảm 10-20% lượng thịt nhưng tăng thêm lượng trứng, giá đỗ, mộc nhĩ,…

Giải pháp này cũng đang được Trường Mầm non Hoa Sen áp dụng cho 360 trẻ hiện đang ăn bán trú tại Trường. Bà Trương Thị Hương, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Sen chia sẻ: Chúng tôi đã tận dụng triệt để nguồn nguyên liệu, thực phẩm sẵn có tại địa phương và thay đổi bữa luân phiên, cố gắng cân đối để không gây ảnh hưởng đến chất lượng bữa ăn của trẻ. Ngoài các món ăn được chế biến từ thịt lợn, Nhà trường đã chỉ đạo nhà bếp chế biến thêm các món như cá biển, vừng lạc, các loại đậu xanh, rau, tăng lượng thịt bò, gà; bữa phụ thì nấu các loại chè đỗ xanh, đỗ đen… Ngoài ra, Nhà trường cũng xây dựng thực đơn cho trẻ hàng tuần, để đảm bảo cho các cháu được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng. Thực đơn hàng ngày được Nhà trường công khai ở nhà bếp và bảng thông tin cho phụ huynh thường xuyên theo dõi và yên tâm hơn. 

Giá thịt lợn tăng cũng là nguy cơ gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm do một số hộ chăn nuôi sử dụng các loại chất tăng trọng, tạo nạc… ảnh hưởng tới nguồn thực phẩm đầu vào của các trường nếu như không được kiểm soát chặt chẽ. Bà Vũ Thị Lan Anh, cho biết thêm: Phòng GD&ĐT thường xuyên phối hợp với các cơ quan, ban, ngành tổ chức giám sát về công tác vệ sinh an toàn thực phẩm để đảm bảo quy trình nhận thực phẩm tại các nhà trường. Phòng cũng yêu cầu ban giám sát tại các trường phải luân phiên tham gia kiểm tra quy trình chế biến, lưu mẫu cũng như tổ chức bữa ăn của học sinh tại trường; yêu cầu nhà trường minh bạch trong tổ chức bữa ăn bán trú, niêm yết công khai danh sách các nhà cung cấp thực phẩm để phụ huynh cùng kiểm tra, đánh giá, góp phần tăng hiệu quả quản lý, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.