Cần có sự đồng hành của phụ huynh

08:19, 30/03/2020

Ngay từ 10-2, học sinh trên địa bàn toàn tỉnh thực hiện học trực tuyến trong thời gian nghỉ học phòng, chống dịch COVID-19 trên cơ sở ôn tập kiến thức các môn đã học. Nhiều hình thức dạy học đã được triển khai qua Internet, truyền hình và in sao bài tập (bản cứng) chuyển đến học sinh, bảo đảm việc học tập trong thời gian các trường chưa tổ chức học tập trung. Sau hơn một tháng triển khai, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đánh giá bước đầu đạt hiệu quả, nhưng chất lượng chưa cao.

Nhóm đối tượng chính được xác định tập trung ôn tập là học sinh bậc THCS và đặc biệt là học sinh lớp 9 chuẩn bị thi 3 môn Toán, Văn và Tiếng Anh. Các thiết bị máy tính, điện thoại thông minh được các bậc phụ huynh kết nối với nhà trường, giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn thường xuyên, liên tục. Đồng chí Phạm Việt Đức, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Đây chính là thời điểm quan trọng nhất trong việc kết nối nhà trường với gia đình, đồng thời qua học trực tuyến, đánh giá trực tiếp của giáo viên, phụ huynh nắm bắt chính xác năng lực học tập của con, em mình.

Theo báo cáo nhanh của toàn ngành GD&ĐT, có gần 15% số học sinh thuộc điểm xã “vùng lõm thông tin” của 9 huyện, thành phố, thị xã phải sử dụng hình thức in sao tài liệu chuyển đến cụm dân cư cho học sinh để hàng tuần trao đổi, nộp, giao bài; gần 70% số học sinh có tương tác tích cực theo dõi và phản hồi với giáo viên; gần 10% học sinh không có phản hồi, nhưng vẫn duy trì chế độ điểm danh. Từ 16-3, Sở GD&ĐT cũng đã huy động trên 30 giáo viên cốt cán giàu kinh nghiệm để triển khai việc dạy học trên kênh truyền hình của Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Nguyên với tần suất 3 tiết học/ngày từ thứ Hai đến thứ Sáu hàng tuần. Đồng thời, giới thiệu thêm các kênh dạy học trực tuyến của Bộ GD&ĐT cho các bậc học theo từng mức độ, năng lực học sinh. 

Đồng chí Nhâm  Quốc Hưng, chuyên viên Phòng Giáo dục Trung học ( Sở GD&ĐT) chia sẻ: “Mỗi tiết học trực tuyến chỉ phát trên sóng truyền hình 40 phút, nhưng giáo viên phải chuẩn bị trước đó một buổi để tập nói cho gẫy gọn, đủ khung thời gian và tập đi, tập lại nhiều lần. Sau đó là khâu dựng hình, ghép tiếng, lọc âm mất gần 2-3 tiếng nữa mới hoàn chỉnh, rồi đưa ra hội đồng duyệt mới cho phát sóng”. Còn cô giáo Lưu Thị Thùy Linh, Hiệu trưởng Trường THCS Tân Lập (T.P Thái Nguyên) cho biết: “Trường xác định học trực tuyến là nhiệm vụ học tập chính khóa, nên đã xây dựng quy chế quản lý, giám sát học sinh như trên lớp học. Song giáo viên sẽ mất nhiều thời gian chuẩn bị hơn vì phải ghi âm, ghi hình, soạn giáo án bài giảng điện tử, mỗi bài, một giáo viên cũng mất một buổi tại Trường. Tối về phát cho học sinh lại ngồi trực tiếp tại máy tính để trả lời, giảng giải thêm với học sinh. Chưa kể, thiết bị của các bậc phụ huynh không đồng bộ, chất lượng đường truyền Internet kém, hoặc phụ huynh vắng nhà… thì môn học vẫn có thể kéo dài đến hôm sau, nếu học sinh hỏi bài với giáo viên. Đây thực sự là một khó khăn trong việc tổ chức dạy học trực tuyến. Quan trọng là thiết bị phải tốt, đồng bộ và đường truyền ổn định. Bên cạnh đó, phụ huynh phải đồng hành cùng giáo viên trong việc giám sát học sinh học tập”. Cũng theo cô Linh: Trong số 557 học sinh toàn Trường, trong hơn một tháng học trực tuyến có gần 400 em thường xuyên học tập và có phản hồi bằng trả bài tập, 20% số học sinh không có tương tác và 10% không hồi âm gì, có thể do điều kiện thiết bị chưa đáp ứng, hoặc phụ huynh chưa thường xuyên giám sát. Nhà trường cũng đã cử giáo viên chủ nhiệm thường xuyên cùng giáo viên bộ môn điểm danh và liên lạc với phụ huynh.

Theo Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Phương Lan, Phó Trưởng Phòng GD&ĐT T.P Thái Nguyên: Hơn một tháng qua, với gần 19 nghìn học sinh thuộc 36 trường THCS trên địa bàn thực hiện học trực tuyến chủ yếu ôn tập, đã có trên 70% số học sinh có tương tác với giáo viên và bảo đảm sĩ số duy trì học tập hàng ngày là trên 95%. Trên thực tế, học trực tuyến không thể thay thế một lớp học truyền thống mà ở đó thầy-trò tương tác trực tiếp với nhau. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh phải dành thời gian để theo dõi việc học tập của con em mình tại nhà, tránh việc "khoán" cho con muốn làm gì thì làm. Dù sao việc học trên truyền hình vẫn là cách dạy học một chiều, khó kiểm soát được mức độ tiếp nhận của học sinh, các thầy, cô giáo sẽ hỗ trợ bằng cách giao bài tập tương ứng, sửa bài cho học sinh qua hình thức online. Vì vậy, lúc này sự đồng hành của phụ huynh với việc học trên truyền hình của con là rất quan trọng.