Sẵn sàng cho việc chọn sách giáo khoa lớp 1

15:48, 30/03/2020

Ngày 15/3/2020, Thông tư số 01 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa (SGK) cho Chương trình Giáo dục phổ thông mới chính thức có hiệu lực thi hành. Mặc dù vừa tổ chức thực hiện dạy học trực tuyến, giao bài đến tận tay cho học sinh trong thời điểm phòng, chống dịch COVID-19, các trường vẫn chủ động tập trung cao độ cho việc nhận xét, phân tích và đưa ra những tham vấn lựa chọn sách phù hợp nhất cho chương trình lớp 1 năm học 2020-2021 của địa phương.

Trong chương trình khảo sát của Sở GD&ĐT tại các trường tiểu học vào đầu tháng 3-2020 vừa qua, cho thấy 100% đội ngũ cán bộ cốt cán và giáo viên bộ môn các trường đã lần lượt đọc và nhận xét kỹ lưỡng vào từng cuốn sách trong 5 bộ sách mẫu do Bộ GD&ĐT ban hành. Rất nhiều ý kiến tâm huyết đã được ghi nhận và chia sẻ về những phương pháp đổi mới trong hoạt động sư phạm, trong đó tập trung vào đổi mới phương pháp. Theo ghi nhận, có điểm chung lớn nhất của các bộ sách lần này là lấy học sinh làm trung tâm, qua đó phát huy năng lực, sự sáng tạo từ mỗi học sinh. Bên cạnh đó là các công cụ hỗ trợ cho công tác giảng dạy giúp giáo viên truyền đạt linh hồn bài giảng tới các học trò được thuận lợi và hiệu quả, điển hình bằng việc trình bày bắt mắt, với sự minh họa hình ảnh sống động, dễ nắm bắt, tinh giản nội dung và gần gũi với đời sống.

Ngoài ra, các bộ sách đã để lại ấn tượng với các chuyên mục mới, thu hút. Cô giáo Đoàn Thị Tám, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Dân Tiến 1 (Võ Nhai) chia sẻ: SGK cho học sinh lớp 1 lần đầu có phần “Tự đọc sách báo” để rèn luyện kỹ năng, thói quen đọc. Môn Toán lớp 1 cho thấy, cuốn sách đã được điều chỉnh để giảm căng thẳng cho học sinh, với các tiết sinh hoạt, học ngoài trời, tạo cảm giác thư giãn, thoải mái, qua đó giúp các học sinh tiếp thu tốt hơn. 

Còn tại huyện Đại Từ, đồng chí Vũ Thị Bích Hường, Phó Trưởng Phòng GD&ĐT cho biết: Ở tất cả các trường, đội ngũ giáo viên đã sẵn sàng. Mặc dù các bản sách mẫu phát hành không nhiều và muộn, những giáo viên đã chủ động nghiên cứu trên các trang Website của Ngành và cho nhiều đánh giá, nhận xét, thậm chí là so sánh rất sâu sắc từ thực tiễn. Đặc biệt các cuốn sách trong bộ Vì sự bình đẳng và Dân chủ trong giáo dục của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam đã để lại ấn tượng mạnh mẽ. Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Thương, Trường Tiểu học Phục Linh (Đại Từ) cho rằng: “Trong phần giới thiệu bộ môn Âm nhạc, các tác giả của cuốn sách đã lồng ghép nhiều nội dung đặc sắc, như việc chia cuốn sách thành các chủ đề về tình yêu quê hương, đất nước, văn hóa dân tộc, thiên nhiên... giúp học sinh hình thành và phát triển các năng lực đặc thù, năng lực chung và các phẩm chất tốt đẹp. Trong chương trình giảng dạy âm nhạc, ngoài việc phát triển năng lực âm nhạc cho học sinh, cuối mỗi chủ đề sẽ có lồng ghép nội dung giáo dục phẩm chất, lòng yêu nước, tính nhân ái, nhân văn. Chẳng hạn, trong chủ đề “Nhà ga âm nhạc”, cuốn sách đưa ra các tình huống như việc sử dụng thanh phách đệm cho bài hát “Quê hương tươi đẹp” hoặc “Chỉ vào hình ảnh phù hợp khi nghe bài Quốc ca Việt Nam”... 

Nói về cuốn sách Âm nhạc 1, đồng chí Nguyễn Hà Sơn, Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT) phân tích: “Với mục tiêu lấy học sinh làm trung tâm, cuốn sách đã tạo tính chủ động cho các học sinh khi cách thức tổ chức dạy học tập trung vào việc tổ chức hoạt động. Học sinh không thụ động tiếp nhận kiến thức mà tự tạo kiến thức thông qua việc tham gia vào các hoạt động. Học sinh được trải nghiệm từng bước hình thành kỹ năng, kiến thức mới. Sự đa dạng trong việc tổ chức các hoạt động âm nhạc bảo đảm sự công bằng và dân chủ trong giáo dục”.

Cũng theo đồng chí Nguyễn Hà Sơn: Sở GD&ĐT tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh thành lập Hội đồng lựa chọn SGK và xây dựng tiêu chí lựa chọn SGK. Bên cạnh đó, Sở cũng sẽ chỉ đạo việc tổ chức lấy ý kiến, đề xuất việc lựa chọn SGK; thông báo danh mục sách được lựa chọn đến giáo viên, học sinh, phụ huynh, đồng thời hướng dẫn các cơ sở giáo dục phổ thông mua sách để sử dụng kịp cho năm học mới 2020-2021.