Giảm áp lực thi cử cho học sinh

16:16, 26/04/2020

Ngày 27-4, học sinh lớp 9 và lớp 12 trở lại trường học; đến ngày 4-5, các cấp học còn lại sẽ trở lại học theo kế hoạch của Sở Giáo dục và Đào tạo. Sau kỳ nghỉ dài phòng, chống dịch COVID-19, nhiều phụ huynh, học sinh không khỏi băn khoăn về áp lực học tập để đảm bảo chương trình của năm học. Phóng viên Báo Thái Nguyên đã có cuộc trao đổi với đồng chí Phạm Việt Đức, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) về vấn đề này.

PV: Không ít phụ huynh và học sinh lo lắng về áp lực dồn ép chương trình, giáo viên và học sinh dễ bị quá tải khi trở lại học tập sau kỳ nghỉ dài. Đồng chí có những chia sẻ gì với phụ huynh và học sinh?

Đ/C Phạm Việt Đức: Trước những diễn biến có chiều hướng tốt hơn về dịch COVID-19 trong những ngày gần đây, đặc biệt, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 Trung ương, tỉnh cũng đã có những hướng dẫn cụ thể việc tổ chức cho học sinh trở lại trường học, ngành GDĐT đã quyết định cho học sinh trở lại học tập tại trường. So với khung chương trình theo hướng dẫn của Bộ GDĐT và tiến độ dạy và học các trường phổ thông trong thời gian không tổ chức học tập tại trường thì cơ bản là đáp ứng kịp tiến độ. Tuy nhiên, để giải tỏa những băn khoăn của phụ huynh và học sinh khi trở lại trường học, Ngành có những khuyến nghị như sau:

Thứ nhất: Về nguyên tắc, trường học phải bảo đảm an toàn mới cho học sinh trở lại học tập. Thực hiện nội dung này, riêng đối với các trường học phải thực hiện đúng theo các nội dung hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Trung ương, tỉnh về phòng, chống dịch COVID-19. Bên cạnh đó, gia đình, chính quyền địa phương nơi có học sinh đi học phải nêu cao tinh thần cảnh giác phòng, chống dịch tại khu dân cư, tại gia đình theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19.

Thứ hai: Về vấn đề giảm áp lực, không để quá tải cho giáo viên và học sinh, Ngành cũng đã có hướng dẫn cụ thể đến từng cấp học, bởi khung thời gian và tiến độ kết thúc năm học được kéo dài đến 15-7. Chính vì vậy các trường vẫn duy trì được việc vừa học nội dung còn lại của học kỳ II, nhưng vẫn đảm bảo quỹ thời gian ôn tập củng cố kiến thức đã học cho học sinh. Đảm bảo không cắt bỏ nội dung, nhưng vẫn đảm bảo theo hướng dẫn về giảm tải chương trình mà Bộ GDĐT đã hướng dẫn.

PV: Đồng chí có thể cho biết rõ hơn về những nội dung đã và đang thực hiện giảm tải cho học sinh?

Đ/C Phạm Việt Đức:  Căn cứ hướng dẫn của Bộ GDĐT, Sở cũng đã có hướng dẫn các trường. Cụ thể là: Đối với cấp Tiểu học, hướng dẫn tinh giản được xây dựng cụ thể cho từng môn học của từng lớp học từ lớp 1 - lớp 5.  Theo đó, có 9 môn học từ lớp 1 - lớp 5 được điều chỉnh nội dung dạy học của học kỳ 2 gồm: Toán, Tiếng Việt, Khoa học, Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội, Lịch sử và Địa lý, Âm nhạc, Thủ công/Kỹ thuật, Thể dục. Việc tinh giản được hướng dẫn cụ thể theo từng tuần học của chương trình.

Đối với cấp THCS và THPT, các nội dung tinh giản được Bộ hướng dẫn cụ thể, chi tiết đối với các môn học từ lớp 6 - 12 gồm: Lịch sử, Địa lý, Công nghệ, Giáo dục công dân, Ngữ văn, Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học và Ngoại ngữ. Các cơ sở giáo dục trung học chủ động điều chỉnh nội dung và hình thức tổ chức dạy các môn học Mỹ thuật, Âm nhạc, Thể dục phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng cơ sở giáo dục.

PV: Thưa ông, việc tinh giản chương trình được thực hiện theo nguyên tắc nào?

Đ/C Phạm Việt Đức: Việc tinh giản được thực hiện trên nguyên tắc bảo đảm cho học sinh có được những kiến thức cơ bản, nền tảng và có đủ năng lực để học cho những năm học tiếp theo. Vì vậy trong hướng dẫn của Bộ quyết định những các nội dung "không dạy", "không học", "không làm", "không thực hiện" bao gồm những nội dung sau: 

Thứ nhất, đối với những nội dung thực hành thí nghiệm, không có điều kiện tự thực hiện ở nhà thì Bộ hướng dẫn là "không dạy", "không thực hiện" hoặc "không làm".

Thứ hai, đối với những bài tập mang tính nâng cao mà kỹ năng có thể được hình thành ở những bài học khác, tức là cũng có còn cơ hội để học sinh được luyện tập thì Bộ hướng dẫn là "không dạy" hoặc không yêu cầu học sinh phải thực hiện.

Thứ ba, đối với những nội dung mang tính mở rộng, nâng cao thì học sinh cũng có thể được tiếp tục thực hiện ở những năm học tiếp theo. Với việc hướng dẫn như thế sẽ đảm bảo được việc tinh giản, đảm bảo thực hiện được chương trình trong khoảng thời gian còn lại của năm học 2019-2020.

PV: Học sinh nghỉ học tại trường kéo dài gần 2 tháng, việc đánh giá kết quả học tập của học sinh sẽ được thực hiện thế nào để bảo đảm tính khách quan và công bằng?

Đ/C Phạm Việt Đức: Trong thời gian ngừng học tập trung tại các trường, toàn Ngành đã triển khai nhiều hình thức học tập, như dạy và học qua truyền hình, dạy học trực tuyến, sử dụng không gian mạng Internet, hoặc in sao tài liệu giao tận nhà cho học sinh hàng tuần… Tất nhiên, đó là những giải pháp tình thế, vì vậy sẽ có học sinh được học đầy đủ và sẽ có học sinh chưa được học đầy đủ do hệ thống hạ tầng Internet chưa đảm bảo tốt; địa hình miền núi không thể phủ sóng truyền hình, hoặc kinh tế gia đình nhiều học sinh còn khó khăn nên chưa có thiết bị như máy tính, điện thoại thông minh… Ngành đã chỉ đạo thống nhất phương pháp đánh giá học sinh sau khi các em trở lại trường học tập trung. Căn cứ kết quả đánh giá, kiểm tra, các trường sẽ thực hiện việc bồi dưỡng lại, nhất là với các em khó tiếp cận việc học qua truyền hình và Internet. Về phía nhà trường sẽ bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho học sinh sau khi trở lại học tập trung.

PV: Học sinh lớp 9 chuẩn bị thi tuyển vào lớp 10 và học sinh lớp 12 chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT là đối tượng có nhiều lo lắng hơn cả. Đồng chí cho biết rõ hơn những biện pháp của Ngành để giảm áp lực thi cử cho học sinh năm nay?

Đ/C Phạm Việt Đức: Ở bất cứ kỳ thi nào cũng có những áp lực riêng với người học, đó là tâm lý chung. Thi là để đánh giá kết quả một quá trình học tập. Với học sinh lớp 9 thì không quá lo lắng về nội dung và chương trình đã học, vì cơ bản các em đã được trang bị đủ kiến thức theo yêu cầu chương trình THCS. Đặc biệt, hàng năm tỷ lệ học sinh đỗ vào lớp 10 đều đạt cao (khoảng 90%). Chỉ có một số trường THPT trên địa bàn T.P Thái Nguyên lấy điểm trúng tuyển cao hơn các trường khác, thì mức độ cạnh tranh cao. Nhưng cơ hội vào học lớp 10 với các em là rất nhiều và cũng có nhiều hình thức học. Về nội dung thi, Ngành cũng chỉ yêu cầu học sinh nắm chắc các nội dung đã học trong chương trình cấp THCS, chủ yếu là ở lớp 9.

Đối với học sinh lớp 12 thì các em xác định rõ mục đích kỳ thi năm nay không còn tên gọi Kỳ thi THPT Quốc gia 2020 nữa, mà là Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Mục đích chính là xác định chất lượng học tập và để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT. Cũng sẽ có nhiều trường đại học, cao đẳng lấy kết quả thi tốt nghiệp THPT của học sinh để xét tuyển sinh, nên học sinh cần cố gắng hết sức để có kết quả thi tốt nhất mở ra cơ hội học tập cao hơn. Về đề thi và kỳ thi này, Ngành sẽ liên tục cập nhật đề thi minh họa của Bộ hướng dẫn, từ đó xây dựng nội dung ôn tập cho học sinh sát với yêu cầu đề thi.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay cũng được thực hiện trên tinh thần tinh giản nội dung, khối lượng kiến thức và có độ phân hóa tăng dần, để đánh giá năng lực từng học sinh. Về nguyên tắc, học sinh phải xác định rõ: Học gì thì thi đấy. Các em đã được trang bị kiến thức trong chương trình THPT thì yêu cầu của đề thi sẽ nằm toàn bộ trong đó. Bên cạnh đó, các trường THPT hiện nay đã có phương án ôn tập rất chi tiết cho học sinh lớp 12.

PV: Xin cảm ơn đồng chí!