Chưa từng biết tiếng Việt trước khi sang Việt Nam, thế nhưng chỉ sau hơn một năm, chàng thanh niên Boun Soukhaluck (Lào), học viên cao học ngành Toán giải tích, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên) đã khiến thầy cô và bạn bè ngưỡng mộ bởi khả năng học và nói tiếng Việt của mình. Tháng 11-2019 vừa qua, anh đã xuất sắc giành giải Đặc biệt trong cuộc thi “Hùng biện tiếng Việt cho lưu học sinh Lào tại Việt Nam”.
Trò chuyện với Boun Soukhaluck, chúng tôi ấn tượng về khả năng nói tiếng Việt thành thạo và sự thân thiện, hóm hỉnh của anh. Anh bắt đầu sang Việt Nam theo học chương trình thạc sĩ tại Trường Đại học Sư phạm tháng 9-2018. Khi được hỏi về lý do lựa chọn Việt Nam để theo học, anh cho biết: “Hồi còn là sinh viên bên Lào, tôi từng được học về tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam. Tôi cảm thấy thực sự yêu thích bộ môn này. Từ đó trong tôi luôn ao ước sẽ có cơ hội được đi du học ở Việt Nam để tìm hiểu thêm về lịch sử, văn hóa, con người Việt Nam và tìm hiểu sâu hơn về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những lý do đó đã thôi thúc tôi quyết định sang Việt Nam học để theo học chương trình thạc sĩ và theo đuổi ước mơ”.
Cứ nghĩ yêu thích Việt Nam thì học ngôn ngữ sẽ dễ, thế nhưng khi tiếp cận thực tế lại rất khó khăn. Chàng thanh niên Lào tiết lộ, khi bắt đầu học tiếng Việt, anh thuộc diện tệ nhất lớp. Ngôn ngữ Việt Nam và Lào khác nhau về ký tự nên anh hay phát âm sai. Anh vui vẻ nói, vì ngôn ngữ Lào không có thanh ngã nên khi học tiếng Việt có thanh ngã thấy rất khó, có lần cô giáo hỏi anh làm bài tập chưa, anh trả lời “Em đá (đã) làm rồi” khiến cả lớp cười. Anh Boun Soukhaluck từng nhiều lần muốn từ bỏ ước mơ quay trở về nhà vì thấy rất bi quan, nhờ sự động viên của thầy cô, gia đình khiến anh suy nghĩ lại và có động lực hơn. Giữa cái khó, anh Boun Soukhaluck lại tìm ra phương pháp học mới. Anh chia sẻ: “Đối với cá nhân tôi, để học được ngoại ngữ, trước hết phải yêu thích ngôn ngữ mình đang học, có sự kiên trì và tiếp xúc thường xuyên với người bản ngữ. Điều quan trọng nhất khi học tiếng Việt là phải biết cách sử dụng tiếng Việt theo thói quen của người Việt. Tôi dùng tiếng Việt ngay cả khi nói chuyện cùng với các bạn học viên Lào khác. Chính điều này đã giúp tôi tập trung hơn vào việc học tiếng Việt như đang học tiếng “mẹ đẻ” của mình.
Ngoài giờ học trên lớp anh còn tự tìm hiểu tiếng Việt qua sách báo, lịch sử Việt Nam và tích cực tham gia các buổi giao lưu, hoạt động của trường, lớp để trau dồi khả năng tiếng Việt. Những lúc rảnh rỗi các thầy, cô thường đưa anh đi trải nghiệm, tìm hiểu về văn hóa Việt Nam, thưởng thức các món ăn, đi tham quan các địa điểm du lịch để anh thích nghi và hiểu biết về cuộc sống Việt Nam hơn. Nhờ vậy, anh đã được các thầy, cô giáo tin tưởng lựa chọn để tham dự cuộc thi “Hùng biện tiếng Việt cho lưu học sinh Lào tại Việt Nam 2019”. Tại cuộc thi này, anh giành giải Đặc biệt ở vòng chung kết với bài hùng biện “Quan hệ hữu nghị Việt - Lào”. Điều có tính thuyết phục Ban Giám khảo là những tình cảm chân thành, sâu sắc mà anh dành cho đất nước, con người Việt Nam qua từng lời nói. Tình cảm tha thiết và mãnh liệt ấy đã chạm đến trái tim người nghe một cách đầy xúc động.
Trong thời gian tới, anh sẽ nỗ lực học tập về tiếng Việt để trau dồi thêm kiến thức và khả năng của mình. Sau khi hoàn thành khóa học thạc sĩ tại Việt Nam, anh sẽ quay trở về nước, tham gia giảng dạy môn chuyên ngành và dạy cả tiếng Việt cho học sinh tại trường anh đang công tác.