Sau khi có hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), nhiều trường đại học đã công bố phương án tổ chức tuyển sinh riêng, nhằm bảo đảm chất lượng đầu vào. Tuy nhiên đến nay, đã có một số trường thay đổi phương án tuyển sinh căn cứ vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Từ thực tế này đã có nhiều ý kiến cho rằng: Căn cứ kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT liệu chất lượng tuyển sinh các trường đại học Top đầu có giảm? trong bối cảnh tinh giản nội dung học tập và thi cử.
Sau khi tên gọi của kỳ thi được thay đổi từ “Kỳ thi THPT quốc gia” thành “Kỳ thi tốt nghiệp THPT” năm 2020 đã có nhiều ý kiến băn khoăn mục đích kỳ thi là để xét tốt nghiệp THPT thì kết quả không đảm bảo làm cơ sở để tuyển sinh đại học. Tuy nhiên, đến nay, một số trường đại học đã thông báo dừng việc tổ chức kỳ thi riêng mà phương thức xét tuyển chính sẽ dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay.
Cụ thể, Đại học Quốc gia Hà Nội quyết định không triển khai kỳ thi đánh giá năng lực phục vụ tuyển sinh riêng. Nhà trường sẽ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển và ổn định phương án tuyển sinh như năm 2019. Bên cạnh đó, Trường cũng mở rộng đối tượng xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ GD&ĐT và quy định của Đại học Quốc gia Hà Nội. Tương tự, Trường Đại học Ngoại thương cũng thông báo dừng việc tổ chức kỳ thi riêng. Phương thức xét tuyển chính là dựa trên kết quả của kỳ thi THPT, ngoài ra còn xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế và kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Trước sự thay đổi này, PGS.TS Phan Thành Long (Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên) cho rằng: Về cơ bản kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 không có khác biệt nhiều với Kỳ thi THPT Quốc gia các năm 2018 và 2019, nên không gây khó khăn cho thí sinh. Chỉ khác là do tình hình dịch COVID-19 nên Bộ hướng dẫn tinh giản nội dung dạy học và đề thi sẽ giảm độ khó so với năm trước, nhưng vẫn đảm bảo độ phân hóa phù hợp.
Nhà giáo Ưu tú Trần Văn Hưng, Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Thái Nguyên nhận định: Một kỳ thi chỉ để đánh giá tốt nghiệp THPT thì chỉ có 2 mức: Đạt và Không đạt, chứ đã có thang điểm là đề thi có sự phân hóa. Do đó các trường đại học hoàn toàn có thể dựa vào mức độ phân hóa đó để xét tuyển. Ví dụ mức điểm tối đa của một bài thi là 10 điểm (tính theo thang điểm 10) thì yêu cầu đặt ra là thí sinh chỉ cần 5 điểm/bài thi là đủ điểm tối thiểu đỗ, như vậy điểm từ 5-10 chính là sự phân hóa, đánh giá được thí sinh nào đạt yêu cầu, thí sinh nào đạt xuất sắc.
Về tính hiệu quả và thực tế theo xu hướng đổi mới, PGS.TS Nguyễn Phú Hùng (Đại học Khoa học Thái Nguyên) phân tích: Để chuẩn bị một kỳ thi tuyển sinh không hề dễ dàng bởi đòi hỏi sự chuyên nghiệp và nguồn tài chính lớn. Nếu muốn tổ chức kỳ thi riêng thì trường đại học phải thuê đội ngũ làm đề thi, chấm thi… rất tốn kém. Qua theo dõi đề thi minh họa dọ Bộ GD&ĐT công bố có thể thấy, đề thi năm nay được thiết kế theo tinh thần chương trình được tinh giản, sẽ giảm độ khó nhưng vẫn có sự phân loại để đánh giá chuẩn xác học sinh khá, giỏi, trung bình đảm bảo cho các trường sử dụng làm căn cứ tuyển sinh.
Có thể thấy, về bản chất của kỳ thi này cũng như lộ trình đổi mới thi cử là để xét tốt nghiệp THPT, giúp cho công tác đánh giá, đổi mới chương trình và phương thức dạy học ở phổ thông, đồng thời có sự phân hóa năng lực học sinh, giúp các trường đại học có thêm cơ sở để tuyển sinh. Việc tổ chức tuyển sinh đại học, cao đẳng năm nay do các trường tự chủ thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục đại học, có hiệu lực từ ngày 1-7-2020, gắn với lộ trình đổi mới giáo dục đại học.