Năm học 2019-2020, tất cả 61 trường học trên địa bàn huyện Phú Bình đều hoàn thành việc xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia (trong đó có 4 trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2).
Trước năm 2001, xuất phát điểm về cơ sở vật chất của nhiều trường học trên địa bàn huyện còn thấp như các Trường: THCS Tân Kim, THCS Kha Sơn, Tiểu học Thượng Đình, Tiểu học Úc Kỳ…; hầu hết số phòng học xuống cấp, thiếu phòng học và phải học 2 ca như các trường THCS Bàn Đạt, THCS Hà Châu, THCS Lương Phú… Để xây dựng trường chuẩn Quốc gia, các trường phải hoàn thiện 5 tiêu chí là tổ chức quản lý; cán bộ quản lý; quan hệ giữa gia đình nhà trường và xã hội; cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; hoạt động giáo dục và kết quả giáo dục. Trong đó, tiêu chí cơ sở vật chất, thiết bị dạy học là khó hơn cả do thiếu kinh phí. Vì thế, giai đoạn 2001-2010, toàn huyện mới chỉ có 33/61 trường đạt chuẩn Quốc gia.
Ông Ngô Tiến Sinh, Trưởng Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Phú Bình, cho biết: Ngân sách chi cho việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tại các trường còn hạn chế nên việc đầu tư, xây dựng trường lớp chưa được đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới của giáo dục. Do đó, để xây dựng các trường đạt chuẩn Quốc gia, từ 2011 đến nay, huyện Phú Bình đã đưa nhiệm vụ xây dựng trường chuẩn Quốc gia vào nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng kế hoạch lồng ghép các nguồn lực ngân sách Nhà nước, xã hội hóa, vận động các doanh nghiệp đầu tư, nhân dân đóng góp để xây dựng cơ sở vật chất, sửa chữa trường, lớp học. Riêng giai đoạn 2016-2020, nguồn vốn ngân sách đã chi 250 tỷ đồng và gần 50 tỷ đồng từ nguồn kinh phí xã hội hóa, đóng góp của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp để xây dựng, nâng cấp, xây mới 405 phòng học, mua mới thêm 2.000 bộ bàn ghế tiêu chuẩn, 256 máy chiếu Projector, 1.000 máy vi tính…
Từ số tiền được đầu tư, hàng năm, các trường triển khai tu sửa phòng lớp học, khu vui chơi..., đảm bảo cơ sở vật chất đồng bộ, phục vụ nhu cầu dạy và học đối với học sinh tiểu học, THCS, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mầm non. Đơn cử tại Trường Mầm non Nga My, Cô Nguyễn Thị Chai, Phó Hiệu trưởng Nhà trường, cho hay: Trong năm học này, Nhà trường được đầu tư tu sửa 3 phòng học, lát gạch sân trường, lắp đặt đồ chơi ngoài trời với tổng kinh phí 2,5 tỷ đồng, đảm bảo nhu cầu chăm sóc, giáo dục hon 600 trẻ mầm non trên địa bàn.
Hay như Trường Tiểu học Tân Thành, năm học 2019-2020, Nhà trường đã có khuôn viên mới được lát gạch sạch, đẹp cùng hệ thống cây xanh tỏa bóng mát. Cô Đào Thị Lâm, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Thành chia sẻ: Không chỉ tu sửa lại sân trường, Nhà trường đã tham mưu và huy động sự tài trợ của doanh nghiệp xây dựng được 1 nhà 3 tầng, 1 nhà hiệu bộ, tu sửa cổng trường. Trường hiện đã có 20 phòng học đúng quy cách, đủ ánh sáng, trang bị bàn ghế đủ tiêu chuẩn, bảng chống lóa, tủ đựng đồ dùng học tập...
Cùng với đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn quy hoạch mở rộng diện tích đất cho các trường đảm bảo diện tích đạt chuẩn (ít nhất 10-12m2/học sinh). Nhiều trường được mở rộng diện tích như: Mầm non Tân Đức, Mầm non Hà Châu, Mầm non Nhã Lộng, Tiểu học Bàn Đạt, THCS Xuân Phương… Chất lượng dạy và học ngày cũng càng được nâng cao. Toàn huyện hiện có trên 2.400 giáo viên đạt chuẩn nghề nghiệp, trình độ trên chuẩn đạt trên 90% ở bậc Mầm non, gần 89% ở bậc Tiểu học và bậc THCS đạt 78%. Tỷ lệ trẻ 3-6 tuổi được học mẫu giáo đạt gần 93%. Tất cả các trường đã tổ chức tốt nội dung dạy học 2 buổi/ngày; 100% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học; việc phân luồng học sinh thường xuyên và có hiệu quả.
Trong thời gian tới, ngành Giáo dục - Đào tạo huyện Phú Bình sẽ tiếp tục tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục; đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục; tích cực đổi mới công tác quản lý, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu đổi mới sự nghiệp giáo dục và đào tạo.