“Trẻ em hôm nay - Thế giới ngày mai” - Lời bài hát như thúc giục những bước chân đoàn thanh niên về bản giúp các em nhỏ đón Tết thiếu nhi và có thêm những ngày hè bổ ích, lý thú. Với thiếu niên, nhi đồng, đây là dịp các em được thỏa sức vui chơi, trải nghiệm cuộc sống ngoài trường học. Với những người làm công tác chăm sóc giáo dục hơn bao giờ hết là lúc tổ chức, quản lý định hướng và rèn luyện kỹ năng mềm.
Mang trò chơi về làng
Chiều cuối tuần, bé Nụ, bé Tâm, bé Hải Anh ở xóm Đèo Bụt không phải đến lớp học. Cả nhóm vây quanh trò chơi ô ăn quan do các anh chị Đoàn Thanh niên xã Hợp Tiến (Đồng Hỷ) hướng dẫn. Cả ba đều học lớp 1, vừa nhặt những viên sỏi thả theo thứ tự các ô vẽ rồi tính cộng, trừ và đếm bằng tiếng Anh lưu loát. Xóm Đèo Bụt nằm khuất sau núi, cách trung tâm xã Hợp Tiến gần 7 cây số, nhưng đã hai mùa hè trở lại đây, gần hai chục em nhỏ ở đây không phải đi tìm chỗ chơi các trò đu quay, xích đu, con nhún... Cận kề ngày Quốc tế thiếu nhi 1-6, dù năm nay học sinh nghỉ hè muộn, nhưng các nhà trường, các cơ sở đoàn thanh niên đã chuẩn bị xong công việc tổ chức cho thiếu niên, nhi đồng vui đón Tết. Anh Bùi Tài Quý, Bí thư Đoàn thanh niên xã Hợp Tiến cùng các bạn đoàn viên Chi đoàn xóm Đèo Bụt đang khẩn trương hoàn thành việc bảo dưỡng, sửa chữa lại đồ chơi, các thiết bị, dụng cụ tập thể dục tại sân Nhà văn hóa xóm để phục vụ các em thiếu niên, nhi đồng vui chơi dịp hè. Anh Quý cho biết: “Toàn xã có gần 2.000 thiếu niên, nhi đồng và gần 100 đoàn viên thanh niên tham gia sinh hoạt hè. Hiện nay, Đoàn Thanh niên xã đã phối hợp với các trường học xây dựng các chủ đề sinh hoạt hè cho các em, bảo đảm 100% thiếu niên, nhi đồng đều được sinh hoạt theo hình thức chơi mà học. Lồng ghép việc học viết, học toán qua các trò chơi dân gian, như trốn tìm ghép vần, ô ăn quan rèn toán, vượt chướng ngại vật, học bơi, luyện tiếng Anh thông qua trò chơi game... Mỗi chi đoàn đều huy động từ 2-3 thanh niên tình nguyện là sinh viên hoặc đoàn viên là giáo viên trong xã tham gia tổ chức cho các em”.
Chị Lê Thị Mai, Bí thư Đoàn Thanh niên huyện Đồng Hỷ cho biết: “Từ năm 2019, Huyện đoàn đã phát động phong trào tái chế vật liệu làm đồ chơi cho thiếu niên, nhi đồng tại cơ sở. Ngoài hai đơn vị thị trấn, toàn bộ 13 xã đều được các bạn Đoàn thanh niên đảm nhận và tự làm vật dụng tập thể dục, thể thao, đồ chơi cho các xóm. Đến nay đã có gần 20 công trình, trị giá hàng trăm triệu đồng được hoàn thiện và phục vụ hoạt động hè bổ ích cho thiếu niên, nhi đồng tại cơ sở. Với địa phương, ngoài kỳ nghỉ hè và sau giờ học, việc chăm sóc thiếu niên, nhi đồng được đoàn thanh niên các xã, thị trấn xác định làm nòng cốt. Vì vậy với hơn 20 nghìn em, chúng tôi xác định phải phối hợp chặt chẽ với trường học, gia đình để bảo đảm duy trì môi trường giáo dục, chăm sóc trẻ em tốt nhất. Chơi gì? Ở đâu? Khi nào? Với ai? Như thế nào? Các chi đoàn đều phải có chủ đề, có con người cụ thể đứng ra tổ chức. Đặc biệt không để gián đoạn, mà phải thường xuyên, có sự đổi mới liên tục, tránh nhàm chán”.
Cô và trò Trường Giáo dục và Hỗ trợ trẻ em bị thiệt thòi tỉnh trong giờ học họa ngoại khóa theo năng khiếu.
Chung tay kiến tạo tương lai
Không có điều kiện thuận lợi như các bạn cùng trang lứa, gần 300 học sinh Trường Giáo dục và Hỗ trợ trẻ em bị thiệt thòi tỉnh mỗi em một hoàn cảnh khác nhau, nhưng các em đã được nhà trường tạo môi trường chăm sóc, học tập tốt để có thêm nhiều cơ hội hòa nhập cộng đồng. Với học sinh khiếm thính, các em vừa được học văn hóa, vừa học nghề. Mỗi năm, Trường có từ 20-30 em có thể tham gia vào thị trường lao động bằng các nghề may, tin học văn phòng, thủ công mỹ nghệ... Còn học sinh khiếm thị, dù ở nhiều lứa tuổi khác nhau, nhưng sau 2-3 năm học, các em đều có thể đọc và viết được theo bảng chữ nổi. Tại đây, các em được tham gia vào các hoạt động ngoại khóa, theo đúng phương pháp “chơi mà học” để rèn luyện kỹ năng sống, cảm nhận thế giới quan bên ngoài trường học. Cô giáo Nguyễn Thị Kim Nhung, Hiệu trưởng Nhà trường chia sẻ: “Với học sinh khuyết tật, trường chính là ngôi nhà của các em, giáo viên là mẹ, là cha chăm sóc các em hàng ngày, ngay cả trong giấc ngủ. Mỗi bước chạy của các em là sự rèn luyện vượt lên chính mình và cũng là những phép toán đếm số bổ trợ bài học trên lớp, mỗi nét vẽ là sự cảm nhận về sắc màu cuộc sống để nuôi dưỡng tâm hồn trong sáng của trẻ thơ”. Được biết, chuẩn bị cho ngày Quốc tế thiếu nhi, Trường đã nhận được sự hỗ trợ của Thành Đoàn T.P Thái Nguyên, của các nhà hảo tâm chung tay thực hiện không gian vui chơi cho toàn thể các em theo nhóm tuổi và nhóm lớp.
Những ngày cuối tháng năm, toàn bộ 23 em nhỏ thuộc Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội đã sớm được hòa mình vào ngày Tết thiếu nhi. Bé Hoàng Thị Hồng Yến, Triệu Bảo Lâm, Nguyễn Văn Khanh đến Trung tâm từ những ngày còn trong nôi, nhưng nay đã vượt qua bạo bệnh lúc sơ sinh khi trong mình có “H” và gắn bó với các mẹ Hường, mẹ Hà, mẹ Thu được gần chục năm. Đồng chí Nguyễn Thúy Hường, Giám đốc Trung tâm chia sẻ: “Trung tâm không có trường học, tất cả những người phục vụ ở đây trở thành mẹ và cũng là cô giáo. Các con giờ đã biết đọc, biết viết. Hàng tuần, các con có 2 buổi được Trung tâm Thiên thần nhỏ và các giảng viên của Đại học Thái Nguyên đến hoạt động từ thiện dạy nhạc, tiếng Anh, tổ chức hoạt động dã ngoại. Nên Trung tâm chính là ngôi nhà thiện nguyện, chắp cánh ước mơ tuổi thơ cho các con”.
Nhận thức rõ vai trò chăm sóc, giáo dục trẻ em, tạo điều kiện tốt nhất cho trẻ được sống, học tập, vui chơi an toàn, lành mạnh. Những năm gần đây, Trung tâm đã nhận được sự quan tâm của xã hội, các tấm lòng hảo tâm bằng những việc làm cụ thể và thiết thực. Năm 2019, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh đã tiếp nhận ủng hộ của các cơ quan, tổ chức với số tiền trên 300 triệu đồng, hàng trăm chiếc xe đạp giúp học sinh nghèo đến trường. Các đơn vị, địa phương trong tỉnh phối hợp với Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên trao 270 triệu đồng hỗ trợ cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh. Các bệnh viện, tổ chức nhân đạo đã tổ chức khám sàng lọc bệnh tim bẩm sinh, khuyết tật... cho hàng nghìn lượt trẻ và theo dõi, điều trị cho hơn 100 em. Điển hình như phẫu thuật tim, phẫu thuật hở hàm ếch, chỉnh hình khuyết tật vận động, tật khúc xạ, để mang lại cho trẻ em nụ cười lạc quan với cuộc sống và hoà nhập cộng đồng. Từ những nỗ lực đó, đến nay toàn tỉnh đã có gần 80% xã, phường đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em.
Chăm sóc và giáo dục trẻ em được gia đình và xã hội luôn quan tâm. Hàng năm trẻ em trên địa bàn toàn tỉnh được đón nhận sự hỗ trợ qua các hoạt động từ thiện từ 300-500 triệu đồng giúp các em có thêm nhiều hình thức vui chơi giải trí tích cực, bảo đảm an toàn và tạo động lực học tập, trải nghiệm sáng tạo. Đến nay, 90% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã được quan tâm chăm sóc và gần 80% xã, phường đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em theo Quyết định số 34/2014/QĐ-TTg, ngày 30/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ. |