Mùa tuyển sinh năm học 2020-2021 các trường đại học có thêm nhiều phương thức tuyển sinh, tạo thêm nhiều cơ hội vào đại học cho thí sinh. Điều đó mang đến những băn khoăn lo lắng nhất định cho khối trường nghề trong công tác tuyển sinh và đào tạo.
Đến thời điểm này, các trường đại học đã công bố đề án tuyển sinh năm 2020. Theo đó, các trường thuộc tốp đầu vẫn giữ nguyên các phương thức tuyển như mọi năm và có mức độ cạnh tranh cao, đồng thời không xét tuyển theo kết quả học tập 3 năm học THPT (học bạ), mà căn cứ kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT. Với Đại học Thái Nguyên, duy nhất Trường Đại học Y-Dược không xét tuyển theo học bạ, mà tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD&ĐT và dựa vào kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT.
Đối vối các trường, khoa còn lại thuộc Đại học Thái Nguyên năn nay đều dành từ 40%, đến 60% chỉ tiêu xét tuyển theo hoc bạ ở ngưỡng điểm trung bình trung các môn học lớp 12 đạt 6,0 trở lên, hoặc 5 học kỳ từ lớp 10, đến hết học kỳ I lớp 12 đạt 6,0 trở lên, hoặc tổng điểm kết quả học tập 3 môn học theo tổ hợp xét tuyển năm lớp 12 đạt từ 18,0 trở lên. Các điều kiện trên đều đã gồm cộng điểm ưu tiên. Cũng có trường xét tuyển thẳng học sinh các trường THPT chuyên, năng khiếu; học sinh là thành viên đội tuyển thi học sinh giỏi, thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh trở lên đã tốt nghiệp THPT có hạnh kiểm ba năm THPT từ khá trở lên. Thậm chí, điều kiện xét tuyển được mở rộng đến thí sinh đã tốt nghiệp THPT (theo hình thức giáo dục chính quy hoặc giáo dục thường xuyên) hoặc đã tốt nghiệp trung cấp (gọi chung là tốt nghiệp trung học); người tốt nghiệp trung cấp nhưng chưa có bằng tốt nghiệp THPT đã học và được công nhận hoàn thành các môn văn hóa trong chương trình giáo dục THPT theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Như vậy có thể thấy toàn cảnh về tuyển sinh đại học năm nay rất linh hoạt và tăng tính tự chủ cho các trường đại học, thí sinh sẽ có thêm nhiêu cơ hội trung tuyển hơn. TS.Phạm Chí Cường, Phó Hiệu trưởng, phụ trách Trường Cao đẳng Kinh tế Tài chính Thái Nguyên cho rằng: “Việc dễ dàng có được “tấm vé” vào giảng đường đại học của học sinh kéo theo xu hướng thanh lọc hệ thống (không ít trường phải sáp nhập, giải thể) khi tuyển sinh khó khăn và không đủ chỉ tiêu. Đây là điều theo nhiều chuyên gia, hệ thống giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp buộc phải đối mặt khi hướng đến tự chủ toàn diện. Bắt buộc các trường phải đào tạo nghề mà xã hội cần. Song cũng là bài toán khó khi nguồn tuyển sinh các trường đại học tốp dưới và cao đẳng đã cạn”.
Được biết trong 3 năm trở lại đây (từ 2017 đến nay) Trường Cao đẳng Kinh tế Tài chính Thái Nguyên mỗi năm chỉ tuyển được hơn 100 chỉ tiêu học cao đẳng. Trường đã mở thêm 30 ngành nghề đào tạo bậc trung cấp, dạy nghề đáp ứng nhu cầu lao động trong xã hội, nhưng cũng chỉ tuyển được từ 300-500 chi tiêu. Chia sẻ về những vấn đề khó khăn trong tuyển sinh, PSG.TS Ngô Xuân Hoàng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật nhận định: “Chắc chắn trong vài năm tới, công tác tuyển sinh các trường sẽ buộc phải thay đổi phù hợp với thực tế nhu cầu xã hội về nhân lực lao động. Xu hướng chuyển dịch cơ cấu lao động và ngành nghề lao động đã có biến động, khi các khu công nghiệp phát triển, sản xuất ở nông thôn cũng phát triển, thì nhu cầu xã hội sẽ cần thợ nhiều hơn cần thầy. Khi đó các trường bắt buộc phải trả lời cho xã hội là đào tạo ra thì làm được gì? Làm cho ai? Làm thế nào?”.
PGS.TS Ngô Xuân Hoàng cho biết thêm: Năm 2015, Trường tuyển được trên 1.000 chỉ tiêu học cao đẳng, nhưng đến 2019, chỉ tuyển được hơn 600 chỉ tiêu. Trái lại hệ thống đào tạo nghề trung cấp, ngắn hạn của Trường lại có xu hướng tăng lên, từ 200 (năm 2015) đến nay là 400. Trường cũng mở thêm hơn 20 nghề đào tạo đáp ứng với nhu cầu xã hội. Trên thực tế, khi các nhà tuyển dụng cần “thợ” qua đào tạo, thì thu nhập có thể cao hơn, ổn định hơn là đào tạo bậc đại học. Khảo sát của Trường năm 2019 cho thấy, công nhân kỹ thuật, thợ bậc trung cấp nghề của Trường đào tạo ra khi vào làm tại các khu công nghiệp đã đạt mức thu nhập bình quân trên từ 5-7 triệu đồng/người/tháng, điều kiện làm việc tốt, an toàn, tiếp cận nhiều thiết bị hiện đại.
Có thể thấy khó khăn trong công tác tuyển sinh đã tác động không nhỏ đến chiến lược, quy mô đào tạo của hệ thống các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề trên toàn tỉnh. Chính vì vậy, để giải quyết triệt để bài toán cung và cầu trong đào tạo nguồn nhân lực cần phải thực hiện phân luồng và phân tầng mạnh mẽ trong hệ thống giáo dục quốc dân. Đồng thời phải minh bạch trong đào tạo nhân lực gắn với thị trường và nhu cầu lao động thực tế.