Hỗ trợ gạo cho học sinh vùng khó

08:55, 24/06/2020

Trong số các chính sách hỗ trợ giáo dục cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), vùng DTTS đang được triển khai trên địa bàn tỉnh ta, thì chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh theo Nghị định số 116/2016/NÐ-CP của Chính phủ đã và đang phát huy hiệu quả. Hàng nghìn học sinh vùng khó khăn đã yên tâm học tập; chất lượng dạy và học cũng được nâng lên.

Thực hiện Nghị định số 116, từ năm 2016 đến nay, mỗi năm tỉnh có từ 5.000 đến gần 6.000 học sinh con em đồng bào các DTTS ở vùng khó khăn được hưởng hỗ trợ từ chính sách này. Đến thời điểm này của năm học 2019 - 2020, toàn tỉnh có trên 5.500 học sinh thuộc 93 trường được hỗ trợ trên 650 tấn gạo. Các em học sinh bán trú, hoặc trọ học đã giảm khó khăn về bữa ăn, phụ huynh yên tâm khi cho con đi học, ăn, ở tại trường.

Theo quy định tại Nghị định số 116, đối tượng thụ hưởng gồm: Học sinh các trường phổ thông dân tộc bán trú, học sinh các trường tiểu học, trung học cơ sở thuộc xã vùng đặc biệt khó khăn, hoặc ở xa trường từ 4 đến 7km. Trong đó, mỗi học sinh sẽ được hỗ trợ tiền ăn mỗi tháng bằng 40% mức lương cơ sở, tiền nhà ở mỗi tháng bằng 10% mức lương cơ sở và 15kg gạo. Thời gian hỗ trợ mỗi năm học tối đa là 9 tháng. Ðối với các trường phổ thông dân tộc bán trú, được hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất và thiết bị; mua sắm, sửa chữa dụng cụ thể dục, thể thao, nhạc cụ, ti vi phục vụ sinh hoạt văn hóa, thể dục, thể thao và các vật dụng khác theo từng năm học. Ðồng thời, được lập tủ thuốc dùng chung cho khu bán trú, mua các loại thuốc thông thường với cơ số thuốc đủ đáp ứng yêu cầu phòng bệnh và xử lý những trường hợp cấp cứu đột xuất với mức hỗ trợ 50 nghìn đồng/học sinh/năm. 

Đồng chí Hà Mạnh Cương, Trưởng Phòng Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) huyện Võ Nhai cho biết: Năm học 2019 - 2020, toàn huyện có gần 2.400 học sinh được hỗ trợ tiền ăn và hỗ trợ gạo, trong đó có hơn 600 học sinh bậc THPT, gần 1.800 học sinh bậc tiểu học và THCS. Phòng GD&ÐT huyện thường xuyên hướng dẫn, tuyên truyền, vận động phụ huynh hoàn thiện hồ sơ hưởng chính sách hỗ trợ để các em yên tâm đến lớp học đầy đủ chương trình. Từ khi có chính sách hỗ trợ gạo, hầu như không còn tình trạng học sinh bỏ học để đi lao động, phụ giúp gia đình làm nương, làm ruộng... Hàng năm, tỷ lệ học sinh ra lớp bậc tiểu học, THCS luôn đạt 100%. Đây cũng là động lực để giáo dục vùng cao duy trì chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi từ năm 2017 đến nay. Với bậc THCS, huyện cũng đã hoàn thành chương trình phổ cập từ năm 2016.

Huyện Đồng Hỷ cũng là một trong những địa phương thực hiện tốt chính sách hỗ trợ trực tiếp cho học sinh theo Nghị định số 116. Đồng chí Nguyễn Thế Lương, Phó Trưởng Phòng GD&ÐT huyện cho biết: Từ năm 2016 đến nay, ngành Giáo dục huyện đã hỗ trợ gạo cho gần 6.000 lượt học sinh bán trú, nội trú và học sinh vùng khó khăn với gần 250 tấn gạo. Nhờ đó, khi đến trường, các em không phải mang theo gạo, thực phẩm nữa. Cũng vì thế, các thầy, cô giáo không phải thường xuyên về bản tìm học trò, vận động phụ huynh cho học sinh ra lớp học. Toàn huyện có 3 trường phổ thông dân tộc bán trú và một trường nội trú, với hơn 1.000 học sinh được hỗ trợ gạo; được phân bổ hàng năm trên 60 tấn gạo. Việc thực hiện hỗ trợ được tổ chức cấp phát tận tay và đúng thời điểm. Tuy nhiên, đầu năm 2020, do ảnh hưởng dịch COVID-19, nên Phòng đã tham mưu với Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Bắc Thái và Sở GD&ĐT thực hiện cấp một lần của học kỳ II ngay trong tháng 6 này. Phấn khởi khi học sinh vùng cao được hưởng chính sách hỗ trợ gạo, cô giáo Nguyễn Thị Nguyên, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Văn Lăng chia sẻ: “Nhờ chính sách hỗ trợ gạo, học sinh bán trú được ăn hai bữa chính và một bữa phụ/ngày có đủ thịt, cá, rau... sức khỏe các em được bảo đảm khiến phụ huynh rất yên tâm”.

Đánh giá việc thực hiện chế độ, chính sách theo Nghị định số 116 trên địa bàn tỉnh, đồng chí Nguyễn Đức Thịnh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT nhận xét: Từ khi có chế độ hỗ trợ theo Nghị định số 116, điều kiện ăn, ở, học tập của học sinh DTTS, học sinh vùng cao được cải thiện rất nhiều.