Với mục đích bảo đảm các yêu cầu về môi trường giáo dục; đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo và hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ, từ năm 2016, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) huyện Đại Từ đã triển khai chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”. Bằng những cách làm hiệu quả, phù hợp, đến nay, 34 trường mầm non trên địa bàn huyện đã áp dụng tốt chuyên đề này, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động chăm sóc, giáo dục cho hơn 12.000 trẻ.
Thực hiện chuyên đề này, trong giai đoạn 2016-2020, căn cứ vào tình hình thực tế của đơn vị mình, các trường xây dựng kế hoạch thực hiện 5 tiêu chí: môi trường giáo dục; kế hoạch giáo dục; tổ chức hoạt động giáo dục; đánh giá sự phát triển của trẻ; sự phối hợp giữa nhà trường, cha mẹ và cộng đồng. Bước đầu, Phòng GD-ĐT lựa chọn 4 trường mầm non của các xã: Cát Nê, Yên Lãng, Hùng Sơn, Tân Thái để xây dựng mô hình điểm.
Bà Vũ Thị Lan Oanh, Phó trưởng Phòng GD-ĐT huyện Đại Từ cho biết: Khi đi vào thực hiện, các trường điểm có nhiều thuận lợi là cơ sở vật chất tương đối hoàn thiện; giáo viên đều có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn… Bởi vậy, chỉ sau một năm học, các trường học này đã áp dụng hiệu quả chuyên đề vào việc chăm sóc, nuôi dạy trẻ.
Thực tế tại Trường Mầm non thị trấn Hùng Sơn 2, chúng tôi ấn tượng với hệ thống cơ sở vật chất khang trang với dãy nhà 12 phòng học kiên cố và 2 sân chơi rộng rãi làm không gian cho trẻ trải nghiệm. Cô giáo Vũ Thị Thủy, Hiệu trưởng Nhà trường nói: Khi thực hiện chuyên đề, chúng tôi thấy tiêu chí môi trường giáo dục là khó thực hơn cả, bởi nó đòi hòi phải có kinh phí hoàn thiện cơ sở vật chất. Nhà trường đã huy động các nguồn lực (chủn yếu là nguồn xã hội hóa) để hằng năm có kinh phí cải tạo khuôn viên trường lớp, biển trường, hàng rào sân chơi, tôn tạo cảnh quan môi trường, mua sắm trang thiết bị dạy và học cho cô, trò để đảm bảo thực hiện tốt chuyên đề.
Cách làm trên cũng được Trường Mầm non La Bằng áp dụng hiệu quả. Bà Nguyễn Thị Thanh, Hiệu trưởng Trường Mầm non La Bằng cho hay: Cùng với việc thực hiện tiêu chí môi trường giáo dục, chúng tôi còn quan tâm tới công tác tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên (kể cả cán bộ quản lý); tham gia đầy đủ các buổi tổ chức hội thảo và các chương trình tham quan, học tập chuyên đề, cuộc thi do Phòng GD-ĐT tổ chức.
Sự chuyển biến rõ nét khi thực hiện chuyên đề là trẻ được tham gia vào các hoạt động, được tự do trải nghiệm, bày tỏ suy nghĩ và khuyến khích trẻ vận dụng những điều đã học vào giải quyết các tình huống sẽ xảy ra trong cuộc sống... Giáo viên lấy trẻ làm trung tâm và định hướng cho mọi hoạt động, trẻ được thể hiện những tố chất tích cực.
Từ sự thành công ở các mô hình điểm, Phòng GD-ĐT đã nhân rộng ra các trường khác. Đến nay, các trường mầm non của huyện đã xây dựng được 154 phòng học kiên cố; 24 đơn vị được mở rộng diện tích đất sử dụng; 3 trường được đầu tư bếp ăn mới. 100% trường mầm non đều đạt chuẩn quốc gia. Các nhà trường đã đảm bảo an toàn cho trẻ, thiết kế môi trường học tập trong và ngoài lớp theo hướng mở thuận tiện phù hợp cho trẻ tham gia hoạt động và trải nghiệm, phù hợp.
Chị Nguyễn Thị Dịu, một phụ huynh có trẻ đang học tại Trường Mầm non La Bằng chia sẻ: Qua theo dõi, tôi thấy ở trường cháu không chỉ được chăm sóc chu đáo, phát triển khỏe mạnh mà còn hình thành được một số kỹ năng sống cơ bản như thói quen chào hỏi mọi người, ngăn nắp, biết giữ gìn vệ sinh, yêu quý cô giáo và người thân trong gia đình…
Thời gian tới, để nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, Phòng GD-ĐT Đại Từ sẽ tiếp tục làm tốt công tác tham mưu đầu tư xây dựng cơ sở vật chất các trường mầm non ngày càng hoàn thiện, đồng thời nhân rộng các mô hình hiệu quả trong nuôi, dạy trẻ, tăng cường hoạt động sinh hoạt chuyên môn theo cụm, tổ, khối…