Luật Giáo dục năm 2019 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2020. Luật Giáo dục mới đã làm rõ chủ trương đổi mới chương trình, sách giáo khoa; quy định vị trí việc làm và chuẩn hóa đội ngũ giáo viên… Trước những quy định đó, đội ngũ giáo viên cần nhanh chóng cập chuẩn để đáp ứng yêu cầu.
Một trong những điểm mới của Luật Giáo dục quy định cụ thể nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS và giảng viên đại học. Trong đó, trình độ chuẩn đào tạo của giáo viên mầm non là có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên (trước đây là trung cấp); giáo viên tiểu học có bằng cử nhân (trước đây là trung cấp, cao đẳng), THCS có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên (thay vì cao đẳng và đại học như trước đó)… Luật cũng quy định Nhà nước có chính sách đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ cho nhà giáo. Các nhà giáo được cử đi đào tạo bồi dưỡng được hưởng lương và phụ cấp theo quy định của Chính phủ.
Quy định mới về thể nâng trình độ chuẩn được đào tạo của Luật Giáo dục sẽ khiến nhiều giáo viên trước đây đạt chuẩn thì nay sẽ trở thành không đạt. Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), toàn tỉnh có gần 12 nghìn giáo viên các cấp học này đạt chuẩn trình độ theo quy định mới (chiếm hơn 75%) trên tổng số 16.000 giáo viên bậc Mầm non, Tiểu học và THCS. Số giáo viên còn lại chưa đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo (bao gồm cả giáo viên các trường công lập, ngoài công lập; giáo viên trong biên chế và giáo viên hợp đồng lao động). So với các quy định của Luật, có thể nói, ngành Giáo dục đã có sự “đón đầu” kịp thời. Cụ thể như, bậc học Mầm non đến nay đã có gần 60% giáo viên vượt chuẩn (trình độ đại học), số chưa đạt chuẩn chỉ còn 18%. Bậc Tiểu học cũng đã có gần 62% đạt chuẩn và số còn lại đã và đang được các nhà trường hoàn chỉnh kế hoạch cập chuẩn. Đối với bậc THCS, đội ngũ giáo viên đạt chuẩn đến nay đã đạt gần 81%, trong đó gần 5% vượt chuẩn (trình độ thạc sĩ).
Ông Hà Mạnh Cương, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Võ Nhai cho biết: Theo Luật Giáo dục năm 2019, toàn huyện hiện còn 209 giáo viên chưa đạt chuẩn. Huyện đã có kế hoạch chi tiết để bố trí đội ngũ giáo viên cập chuẩn bằng nhiều hình thức như: cử đi học tập trung, học liên thông tại địa phương thông qua hình thức liên kết với các trường sư phạm hoặc cắt cử một số giáo viên đi học các lớp đào tạo tập trung.
Có thể thấy vấn đề chuẩn hóa đội ngũ giáo viên của ngành Giáo dục trong những năm qua đã có sự chuyển động tích cực. Tuy nhiên, để triển khai Luật Giáo dục hiệu quả, các cơ sở giáo dục cần chủ động cập chuẩn dựa trên các quy định của Nhà nước, vừa bảo đảm tính kế thừa và liên tục, cũng như quyền lợi cho giáo viên, người lao động trong ngành. Bên cạnh đó, Ngành cần tăng cường công tác thanh, kiểm tra việc triển khai đánh giá giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục theo chuẩn nghề nghiệp, chuẩn trình độ được đào tạo. Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên cũng cần không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, thực hiện đổi mới giáo dục hiệu quả và đáp ứng yêu cầu mới theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019.