Đa dạng các hình thức tuyên truyền pháp luật trong Nhà trường

11:09, 14/07/2020

Thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) trong nhà trường đã được các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh phối hợp triển khai hiệu quả dưới nhiều hình thức phong phú. Qua đó, giúp học sinh, sinh viên nâng cao ý thức chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật.

Tham dự một số phiên toàn xét xử lưu động các vụ án hình sự về ma túy do Tòa án Nhân dân T.P Thái Nguyên phối hợp tổ chức tại Trường Đại học Sư phạm và Đại học Nông lâm Thái Nguyên vào cuối tháng 6 vừa qua chúng tôi thấy số lượng sinh viên tham gia khá đông. Nhiều sinh viên khi chúng tôi hỏi đã khẳng định, được dự trực tiếp phiên tòa các em hiểu thêm những tác của việc mua bán, sử dụng, tàng trữ trái phép chất ma túy; đồng thời các thông tin về pháp luật dễ nhớ, dễ tiếp cận. Việc tổ chức phiên tòa lưu động tại các nhà trường, ngoài trực tiếp chuyển tải các quy định của pháp luật đến với học sinh, sinh viên còn có tác dụng cảnh báo, răn đe giáo dục chung đối với mọi người.

Cùng với việc tuyền truyền, PBGDPL trong các trường đại học, cao đẳng, ngành Tư pháp của tỉnh hằng năm đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo trong triển khai thực hiện công tác PBGDPL trong các nhà trường từ mầm non đến THPT. Cụ thể, đưa nội dung này vào chương trình giáo dục; tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ giáo viên giảng dạy bộ môn giáo dục công dân, tổ chức các chương trình tuyên truyền pháp luật, nói chuyện pháp luật tại các nhà trường. Thực tế cho thấy, việc đa dạng, đổi mới, sáng tạo hình thức PBGDPL trong nhà trường dưới hình thức sân khấu hóa, tuyên truyền trên loa truyền thanh, sinh hoạt ngoại khóa, lồng ghép vào môn học giáo dục công dân… có hiệu quả cao hơn việc thuyết trình chung chung, giúp các em nắm vững kiến thức pháp luật dễ dàng qua sân chơi lành mạnh, bổ ích.

Mới đây nhất, các trường trung học trên địa bàn tỉnh đã tích cực tham gia cuộc thi tìm hiểu kiến thức pháp luật trực tuyến Pháp Luật học đường do Bộ Tư pháp, Bộ Giáo dục và Đào Tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Công ty cổ phần Tập đoàn Giáo dục Egroup phối hợp tổ chức. Nội dung cuộc thi gắn với kiến thức môn giáo dục công dân, các kiến thức về pháp luật cơ bản và mở rộng bám sát chương trình học, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi của học sinh trung học. Bà Vũ Thị Lệ Hằng, Giám đốc Sở Tư pháp đánh giá: Cuộc thi Pháp luật học đường rất ý nghĩa, đây là dịp để học sinh lứa tuổi trung học có điều kiện nghiên cứu, tiếp cận các kiến thức pháp luật, có thêm hành trang bước vào đời tốt hơn. Cuộc thi nên nhân rộng và tổ chức thường xuyên để tạo sự lan tỏa trong học tập và nghiên cứu pháp luật.

Nói về việc PBGDPL trong Nhà trường, ông Nguyễn Đức Thịnh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: PBGDPL trong nhà trường là nội dung bắt buộc với chương trình ở mỗi bậc học. Hằng năm, Sở đều chỉ đạo các trường triển khai tới đội ngũ giáo viên lồng ghép trong các môn học, đặc biệt là môn giáo dục công dân để đổi mới việc tuyên truyền giáo dục pháp luật phù hợp với mỗi lứa tuổi, bậc học. Từ đó, nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật; giảm thiểu vi phạm pháp luật và các hành vi lệch chuẩn xã hội của học sinh.