Phân công rõ trách nhiệm từng vị trí

15:41, 12/07/2020

Năm nay, kỳ thi tốt nghiệp THPT được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) giao các tỉnh, thành phố tổ chức và chịu trách nhiệm toàn phần thay vì việc Bộ GD&ĐT tổ chức như mọi năm. Sự thay đổi trong cách vận hành đem đến tâm thế đón nhận mới và phân công rõ trách nhiệm các ngành, địa phương. Phóng viên Báo Thái Nguyên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, Phó Ban Chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 về công tác chuẩn bị cho kỳ thi này.

P.V: Xin ông cho biết việc giao cho địa phương chịu trách nhiệm chính trong tổ chức và thực hiện kỳ thi năm nay có tăng áp lực cho Ban Chỉ đạo thi của  tỉnh và các địa phương?

Ông Nguyễn Văn Hưng: Kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn là cơ sở chính để các trường đại học, cao đẳng xem xét tuyển sinh. Kết quả kỳ thi cũng là tiêu chí để đánh giá chất lượng giáo dục của các trường học. Mức độ quan trọng của kỳ thi vì thế không giảm dù tên gọi đã khác, cách tổ chức khác. Giao tự chủ tổ chức kỳ thi cho các địa phương là trao quyền cao hơn, cũng đòi hỏi trách nhiệm phải tương xứng. Bộ GD&ĐT chỉ xây dựng đề thi, phần mềm chấm thi trắc nghiệm, tổ chức thanh, kiểm tra các khâu của kỳ thi. Con người và cách điều hành trong việc coi thi, chấm bài tự luận, đảm bảo an ninh, phục vụ thi hoàn toàn do các địa phương quyết định và chịu trách nhiệm.

Với cách vận hành này dù tạo ra tính chủ động, ít tốn kém, nhưng cũng gây băn khoăn cho dư luận về tính khách quan, trung thực của kỳ thi. Sự lo ngại là có cơ sở, bởi dù lực lượng thanh tra thi được tăng cường, nhưng nếu không lựa chọn được cán bộ thanh tra bảo đảm yêu cầu thì cũng khó để đòi hỏi cao về trách nhiệm.

P.V: Vấn đề “địa phương” tổ chức và phục vụ trong kỳ thi này, vậy làm thế nào để bảo đảm tính khách quan?

Ông Nguyễn Văn Hưng: Để trấn an dư luận, nhất là những phụ huynh có con em tham gia kỳ thi năm nay các địa phương phải thật sự đề cao trách nhiệm, nhất là yếu tố con người. Chỉ có sự khách quan, minh bạch mới tạo ra sự công bằng, cũng chính là câu trả lời có trách nhiệm nhất trước dư luận. Theo đó, việc phân công phải rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, đúng quy chế, không phụ thuộc hoàn toàn vào công tác thanh tra của Bộ GD&ĐT, mà phải tự thanh tra trong các khâu mà mình được giao, đồng thời chuẩn bị kịch bản ứng phó nếu xảy ra vấn đề không mong muốn. Bên cạnh việc bảo vệ an toàn, nghiêm túc cho kỳ thi, vấn đề thiết bị, vận hành công nghệ giám sát, kiểm soát cũng có vai trò rất quan trọng. Cùng với việc Bộ GD&ĐT tăng cường các giải pháp kỹ thuật, mỗi hội đồng thi cần phối hợp tốt nhất với cơ quan chức năng để kiểm soát tối đa sự gian lận có hỗ trợ của công nghệ. Chính vì vậy, Ban Chỉ đạo tỉnh đặt ra yêu cầu: Nếu trường học nào cử cán bộ không đảm bảo tiêu chuẩn làm cán bộ coi thi, chấm thi, hoặc để xảy ra sai sót, thì hiệu trưởng, địa phương đó phải chịu trách nhiệm. Đảm bảo an toàn cho kỳ thi sẽ tạo tiền đề để chúng ta tiếp tục có những đổi mới, đột phá trong quản lý, đánh giá chất lượng giáo dục.

P.V: Những phân công và công tác chuẩn bị của tỉnh đã cụ thể đến đâu?

Ông Nguyễn Văn Hưng: Về thiết bị giám sát và quản lý xử lý thi trắc nghiệm đã triển khai theo nguyên tắc bảo mật cao. Mỗi điểm thi cũng đã lắp đặt hệ thống camera an ninh giám sát, nhất là vị trí bắt buộc theo quy chế thi luôn có 2 camera, bảo đảm hoạt động 24/24h suốt thời gian diễn ra kỳ thi. Đến nay Ban Chỉ đạo tỉnh đã chọn ra được gần 2.300 cán bộ, nhân viên phục vụ coi thi, làm an ninh trật tự tại điểm thi. Các ngành thành viên Ban Chỉ đạo cũng đã có các phương án chi tiết như: Huy động gần 1.000 thanh niên tình nguyện phục vụ  tại 31 điểm thi, Đoàn thanh niên cơ sở chuẩn bị hàng nghìn suất ăn miễn phí, gần 200 xe máy hỗ trợ thí sinh đến điểm thi khi thí sính gặp khó khăn. Ngành Giáo thông - Vận tải chỉ đạo các đơn vị kinh doanh vận tải phối hợp chặt chẽ với nhà trường, Hội phụ huynh học sinh chuẩn bị sẵn sàng gần 100 đầu xe vận tải khách để đưa, đón thí sinh. Đồng thời, phối hợp với các địa phương, cơ quan Công an, Quân đội sẵn sàng chuẩn bị xe lội nước chuyên dụng, đưa đón học sinh, phân luồng giao thông chống ùn tắc trong các ngày thi; chủ động phòng, chống lụt bão. Các trường và chính quyền địa phương đã chuẩn bị trên 1.000 chỗ ở cho thí sinh nghỉ lại vì nhà xa điểm thi. Về công tác Y tế, bên cạnh việc giám sát thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm còn chủ động xây dựng phương án phòng, chống dịch bệnh và tình huống cấp cứu... Quan điểm chung về tổ chức kỳ thi năm nay là tạo điều kiện tốt nhất để mọi thí sinh đều được tham dự thi đầy đủ. Không tạo áp lực và gây căng thẳng cho thí sinh, bảo đảm nghiêm túc, đúng quy chế.

P.V: Xin cảm ơn ông!