Mỗi môn thi chỉ cần 1 điểm, thậm chí có môn thi chưa đạt nổi 1 điểm, thí sinh đã có thể vào học lớp 10 THPT trường công lập. Đó là thực tế tuyển sinh tại các trường THPT miền núi. Ngược lại với các trường THPT khu vực thành thị, điểm trúng tuyển cao gấp 3-4 lần, thậm chí có trường cao gấp 6-7 lần đã cho thấy mức độ chênh lệch chất lượng giáo dục phổ thông giữa các vùng miền còn rất xa. Cụm từ “chất lượng giáo dục chưa đồng đều” sẽ tiếp tục là nguyên nhân của nhiều nguyên nhân mà chúng ta vẫn thường gặp trong các báo cáo.
Ba môn thi Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, có môn thi chưa đạt nổi đến điểm 1 và môn thi cao nhất cũng chỉ đạt 1,6 điểm, thí sinh đã trúng tuyển vào Trường THPT Yên Ninh (Phú Lương), trong khi hai môn Toán và Ngữ văn được nhân hệ số 2 rồi cộng thêm điểm môn Tiếng Anh và đa số thí sinh khu vực này còn được cộng thêm 1 điểm ưu tiên. Được biết điểm trúng tuyển vào lớp 10 của Trường THPT Yên Ninh năm học 2020-2021 là 4,6 điểm. Mặc dù điểm đầu vào thấp vậy, nhưng cũng không đủ chỉ tiêu. Đến thời điểm này, Trường đã đăng thông báo tuyển sinh bổ sung 50 học sinh cho đủ chỉ tiêu là 200 em/5 lớp 10. Trường THPT Võ Nhai cũng chỉ tuyển sinh ở mức 6,0 điểm, tương đương với gần 1,3 điểm mỗi môn thi là có thể đỗ. Các trường có điểm trúng tuyển thấp cũng đồng loạt công bố điểm trúng tuyển như: Trường THPT Trần Phú (Võ Nhai) lấy điểm trúng tuyển vào lớp 10 là 6,5 điểm, Trường THPT Hoàng Quốc Việt (Võ Nhai) là 8,4 điểm, Trường THPT Lưu Nhân Chú (Đại Từ) là 11,9 điểm.
Trên thực tế, khi chưa nhân 2 hệ số tổng điểm môn thi Toán và Văn thì phổ điểm các môn thi mà thí sinh trúng tuyển các trường lấy điểm trúng tuyển từ 10 điểm trở xuống chỉ đạt mức trung bình 2-2,5 điểm/môn. Theo như những thông tin trước kỳ thi, đề thi tuyển sinh cũng sẽ được giảm tải về nội dung, và cũng giảm độ khó do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, học sinh phải giãn cách, học gián đoạn và học trực tuyến. Nhiều vùng không có thông tin, kết nối mạng Internet hạn chế... nên học sinh không có nhiều điều kiện ôn tập, do đó ngành Giáo dục và Đào tạo cũng đã có những chỉ đạo cụ thể như: “Giảm nội dung, không cắt chương trình”; Xây dựng đề thi tham khảo; Giới hạn khung nội dung ôn tập... Song với kết quả điểm tuyển sinh cho thấy mục tiêu “giảm tải” nội dung gần như ít tác động đến chất lượng học tập và thi cử của học sinh miền núi.
Mặc dù với mức điểm 4,6; 6,0; 6,5 là trúng tuyển nhưng không phải là điểm trúng tuyển phổ biến vào các trường nói trên, mà là điểm trúng tuyển thấp nhất, song mức điểm trúng tuyển phổ biến ở một số trường miền núi, vùng sâu, vùng xa trong tỉnh là 8-12 điểm thì mỗi môn thi khi chưa nhân hệ số, điểm bình quân cũng chỉ đạt 2-3 điểm.
Dẫn đầu điểm trúng tuyển năm nay là các trường khu vực T.P Thái Nguyên là Trường THPT Lương Ngọc Quyến với mức điểm trúng tuyển là 32,9 điểm, tiếp đến là Trường THPT Chu Văn An có mức điểm trúng tuyển là 30 điểm, đứng thứ ba là Trường THPT Gang Thép có mức điểm trúng tuyển là 26,7. Cùng trong khu vực T.P Thái Nguyên, trường có điểm trúng tuyển 10,8 cho ba môn thi (gồm cả nhân hệ số hai của hai môn Toán, Ngữ văn và cộng điểm ưu tiên) là Trường THPT Ngô Quyền. Hoặc như Trường THPT Dương Tự Minh điểm trúng tuyển là 8,7 điểm, song đến thời điểm hiện tại vẫn chưa tuyển đủ và cần bổ sung trên 80 chỉ tiêu. Điều kiện tuyển sinh bổ sung là không có môn thi bị điểm 0, còn lại xét lấy điểm từ cao xuống thấp đến đủ chỉ tiêu cần tuyển. Với mức chênh lệch ngay tại các trường trong khu vực T.P Thái Nguyên và các trường có điểm tuyển sinh thấp tại các địa phương có thể thấy mức độ chênh lệch về chất lượng giáo dục và năng lực học sinh các khu vực, vùng miền là khá lớn.
Sự chênh lệch về điểm tuyển sinh phần nào phản ánh sự chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa các khu vực, các vùng miền trong tỉnh. Kết quả điểm thi tuyển sinh của học sinh không chỉ phản ánh năng lực, kết quả học tập của học sinh, mà đã nói lên thực trạng về chất lượng giáo dục không đồng đều. Sự không đồng đều xuất phát từ nhiều nguyên nhân tác động khác nhau, nhưng cũng có cả thứ hạng xếp bậc các nhà trường, chất lượng đội ngũ giáo viên ở các cấp học cũng chưa thật sự đồng đều.
Từ thực tế này, bên cạnh các chính sách đầu tư cho giáo dục, nhất là giáo dục vùng cao, miền núi, ngành Giáo dục và Đào tạo cần tăng cường các chính sách bảo đảm chất lượng dạy và học đồng đều. Khi cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên của các trường đều đáp ứng yêu cầu bảo đảm chất lượng (chuẩn về kiểm định, đánh giá) sẽ thu hẹp khoảng cách chênh lệch chất lượng giáo dục.