Những bước tiến vượt bậc của giáo dục T.P Thái Nguyên

08:59, 13/08/2020

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ T.P Thái Nguyên lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2015-2020, hệ thống giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) của thành phố ngày càng hoàn thiện, phát triển theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa. 

Một trong mười chỉ tiêu được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ T.P Thái Nguyên lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra đối với ngành Giáo dục là: Tiếp tục củng cố vững chắc kết quả phổ cập giáo dục các cấp học. Năm 2020, có 88% số trường công lập đạt chuẩn Quốc gia. Duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; phổ cập giáo dục tiểu học và THCS mức độ 3; tỷ lệ huy động trẻ em lứa tuổi nhà trẻ đến trường đạt 35%, mẫu giáo đạt 99%.

Vậy giải pháp nào để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu nghị quyết của cả nhiệm kỳ. Trao đổi cùng chúng tôi, TS Nguyễn Thị Quốc Hòa, Trưởng Phòng GD-ĐT T.P Thái Nguyên khẳng định: Xác định rõ muốn nâng cao chất lượng giáo dục, ngoài yếu tố quyết định là đội ngũ giáo viên thì các yêu cầu đi theo là phải thực hiện đồng bộ các giải pháp để huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng trường, lớp; nâng cao chất lượng phổ cập, số trường đạt chuẩn Quốc gia; nâng cao tỷ lệ huy động trẻ em lứa tuổi nhà trẻ, mẫu giáo đi học. Để thực hiện đồng bộ các chỉ tiêu này, Phòng GD-ĐT đã tham mưu cho Thành ủy, HĐND, UBND T.P Thái Nguyên thực hiện hiệu quả Đề án Phát triển giáo dục và đào tạo T.P Thái Nguyên giai đoạn 2016-2020.

Theo đó, 5 năm qua, đã có 425 cán bộ, giáo viên được tạo điều kiện tham gia các lớp đào tạo nâng chuẩn (73 người học thạc sĩ, 352 người học đại học); cử 361 cán bộ quản lý tham dự học lớp trung cấp lý luận chính trị, lớp bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục. Đến nay, 100% giáo viên có trình độ đạt chuẩn, tỷ lệ trên chuẩn rất cao: Mầm non là 98,4%, tiểu học là 98,6%,THCS là 94,6%. Mặt khác, Phòng GD-ĐT tham mưu cho UBND T.P Thái Nguyên huy động các nguồn lực đầu tư tăng cường cơ sở vật chất trường, lớp theo hướng chuẩn hóa.

Từ năm 2016 đến năm 2019, T.P Thái Nguyên đầu tư xây mới 567 phòng học, phòng bộ môn, phòng chức năng, 5 bếp bán trú; cải tạo, sửa chữa 102 phòng học. Tổng mức đầu xây dựng, mua sắm trang thiết bị dạy học lên tới 496,4 tỷ đồng. Bên cạnh đó, thành phố còn thực hiện hiệu quả công tác xã hội hóa giáo dục, huy động các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng, thành lập các trường ngoài công lập, sửa chữa các công trình phụ trợ cho các nhà trường với tổng kinh phí trên 550 tỷ đồng. Nhờ vậy, quy mô trường, lớp liên tục được mở rộng, nâng cao tỷ lệ trường đạt chuẩn Quốc gia. Đến nay, có 110/124 trường công lập đạt chuẩn Quốc gia, đạt tỷ lệ 88,7%, vượt mục tiêu nghị quyết đề ra. Có 2/22 trường ngoài công lập đạt chuẩn Quốc gia.

Cùng với nâng cao chất lượng đội ngũ, tăng cường cơ sở vật chất trường, lớp học, ngành Giáo dục thành phố đã duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục các cấp học, chất lượng giáo dục ngày được nâng lên. Duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, THCS. Hằng năm, 100% học sinh tiểu học hoàn thành chương trình; trên 75% số học sinh THCS học lực khá, giỏi; chất lượng giáo dục mũi nhọn được nâng cao, số lượng học sinh đoạt giải các cuộc thi cấp tỉnh và cấp Quốc gia luôn đứng đầu trong tỉnh. Giáo dục và đào tạo T.P Thái Nguyên được suy tôn là đơn vị dẫn đầu khối GDĐT các huyện, thành, thị, năm học 2015-2016 được Bộ GDĐT tặng Cờ thi đua, các năm học 2016-2017, 2018 -2019 được Bộ GDĐT tặng Bằng khen.