Đưa chữ về bản

09:23, 20/09/2020

Xóm Đồng Tâm, xã Động Đạt (Phú Lương) hình thành từ những năm 90, khi bà con dân tộc Mông được Nhà nước vận động về đây định cư. Thời điểm đó, hầu hết trẻ em trong xóm đều chưa được đến trường, trong khi xóm nằm cách Trường Tiểu học Dương Tự Minh hơn 7km, giao thông đi lại khó khăn, bà con không có điều kiện cho con đi học. Để giúp đỡ bà con trong xóm, bên cạnh hỗ trợ tiền mua lương thực, làm nhà, làm rẫy, Nhà nước đã có chính sách cử thầy, cô giáo về tận xóm dạy chữ. 

Toàn tỉnh có 44 điểm trường, 12 lớp ghép với hơn 100 học sinh học tại lớp ghép. Các điểm trường, lớp ghép đặt tại xóm, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã giúp trẻ em không phải vượt quãng đường xa đến trường, từ đó giảm số trẻ em bỏ học, nâng cao tỷ lệ phổ cập và chất lượng giáo dục.
Cô giáo Nguyễn Thị Nguyên, nguyên Hiệu trưởng Trường Tiểu học Dương Tự Minh, một trong những cô giáo dạy lớp bổ túc xóa mù chữ tại xóm và là chủ nhiệm lớp 1 đầu tiên của Điểm trường Đồng Tâm cho biết: “Ngày đó, chúng tôi về ở tại xóm, vận động bà con đi học bổ túc, cho trẻ em đến trường. Năm 1991, Điểm trường mở được lớp 1 đầu tiên với 8 học sinh”.
 
Còn cô giáo Nông Thị Thìn, dạy tại Điểm trường từ năm 2002, chia sẻ: “Những năm 2002-2005, chúng tôi vẫn phải đến tận nhà vận động gia đình cho các em đến lớp. Có gia đình, hôm trước được vận động, cho con đi học, hôm sau lại bắt con ở nhà đi chăn trâu, lấy củi, hái măng... Vào đầu mỗi buổi học, thấy thiếu em nào là tôi lại cho lớp ôn bài, giao cho lớp trưởng quản lớp, đến tận nhà, thậm chí lên tận nương, rẫy để đưa các em tới trường”.
 
Một đặc thù tại Điểm trường Đồng Tâm là Nhà trường phải tổ chức lớp ghép nhằm cùng một lúc dạy kiến thức cho học sinh ở các trình độ khác nhau. Để thực hiện tốt công tác này, Nhà trường phân công một cô giáo có kinh nghiệm trên 10 năm dạy tất cả các môn theo chương trình soạn giảng riêng. Với kinh nghiệm gần 20 năm dạy ở lớp ghép, cô giáo Nông Thị Thìn chia sẻ thêm: Trong tiết học chính, khi dạy cho các em lớp 2 bài mới, tôi thường giao cho các em lớp 1 làm bài tập và ôn bài, sau đó kiểm tra và đảo lại. Việc dạy lớp ghép cũng có thuận lợi là tôi thường giao cho học sinh lớp trên dạy, giảng bài cho học sinh lớp dưới vào giờ truy bài, ôn tập. Các anh chị lớp trên khi đó sẽ thuộc, nhớ bài rất lâu và sâu.
 
Bao năm “cắm bản”, các cô giáo còn thuộc gia cảnh từng nhà, hoàn cảnh từng em học sinh. Không chỉ dạy kiến thức cho các em, Nhà trường còn vận động hỗ trợ vật chất cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều năm qua, học sinh ở Điểm trường Đồng Tâm được Nhà trường hỗ trợ sách vở, đồ dùng học tập. Nhà trường còn kêu gọi các đoàn thiện nguyện về tặng chăn ấm, quần áo, gạo cho những gia đình khó khăn, tặng xe đạp cho những em vào lớp 3...
 
Nhờ sự tâm huyết, tận tình của các thầy, cô giáo ở điểm trường, các thế hệ học sinh dân tộc Mông ở Đồng Tâm có điều kiện học tập tốt, theo kịp chương trình giáo dục phổ cập. Nhiều em được thầy cô động viên và gia đình tạo điều kiện đã phấn đấu theo con đường học tập, đỗ đại học, tốt nghiệp ra trường làm việc tại các cơ quan Nhà nước, công ty lớn. Chị Sầm Thị Dinh, biên tập viên Phòng Tiếng Dân tộc, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Bắc Kạn, 1 trong số 8 học sinh lớp 1 đầu tiên tại Điểm trường Đồng Tâm cho biết: Các cô giáo ở Điểm trường thương chúng tôi như con và giúp đỡ rất nhiều để chúng tôi đi học cấp 2 nội trú, sau đó học cao hơn và được như ngày hôm nay.
 
Hiện nay, Điểm trường Đồng Tâm đang duy trì 1 lớp ghép với 3 học sinh lớp 1 và 10 học sinh lớp 2. Từ lớp 3, các em tự đạp xe đi học tại trụ sở chính của Trường. Bà con xóm Đồng Tâm vẫn nói chuyện hằng ngày bằng tiếng dân tộc, nhiều trẻ vào lớp 1 chưa quen tiếng phổ thông. Đồng thời, phần lớn bà con vẫn đi làm ăn xa vào thời điểm nông nhàn nên người dân trong xóm mong muốn Trường Tiểu học Dương Tự Minh tiếp tục duy trì Điểm trường, tạo điều kiện cho học sinh lớp 1, 2 học ngay tại bản.