Năm học mới và quyết tâm mới

08:48, 01/09/2020

Chỉ còn mấy ngày nữa, năm học 2020-2021 sẽ chính thức bắt đầu. Năm học này, toàn tỉnh có hơn 320 nghìn học sinh tựu trường. Trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19, các trường đã chủ động đón học sinh mới vào đầu cấp học, đồng thời sẽ tổ chức khai giảng gọn gàng, ý nghĩa, nêu cao quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ Dạy tốt - Học tốt.

Năm học 2020-2021, gần 25.000 học sinh vào lớp 1 trong toàn tỉnh sẽ được tiếp cận chương trình giáo dục phổ thông mới. Chương trình này có nhiều thay đổi, đặc biệt là việc giảm số lượng môn học so với chương trình hiện hành. Học sinh lớp 1 có 7 môn học chính và hoạt động giáo dục bắt buộc, gồm: Toán, Tiếng Việt, Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật) và hoạt động trải nghiệm.

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, trong học kỳ II năm học 2019-2020, ngành Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) cả nước gặp rất nhiều khó khăn. Trải qua gần 2/3 thời gian của học kỳ II, các trường không tổ chức cho học sinh học tập trung được. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, giáo viên, bằng nhiều giải pháp thích hợp, hiệu quả, ngành GD-ĐT vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học.

Riêng tại Thái Nguyên, 100% các trường thực hiện giảm nội dung nhưng không cắt chương trình học; 68% số học sinh được tiếp cận phương pháp học trực tuyến và trực tiếp trên không gian mạng Internet; 100% số giáo viên sử dụng thành thạo thiết bị máy tính và điện thoại thông minh kết nối với học sinh để dạy học bằng các công cụ phần mềm tin học; 100% các cơ sở giáo dục và chính quyền địa phương thực hiện giám sát y tế, bảo đảm trường học an toàn. Nhiều trường đại học tích cực hỗ trợ thiết bị bảo dảm an toàn trường học, đo thân nhiệt, sát khuẩn tại lớp học (với tổng trị giá hàng trăm triệu đồng), góp phần giúp các trường phổ thông hoàn thành chương trình giáo dục theo đúng kế hoạch…

Từ những nỗ lực đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 đã thành công tốt đẹp, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trong toàn tỉnh đạt gần 98%, riêng học sinh các trường THPT đỗ tốt nghiệp trên 98,3%. Đó chính là thành tựu đáng ghi nhận trong bối cảnh các trường cho học sinh nghỉ ở nhà nhưng không ngừng hoạt động dạy và học, bảo đảm không có điểm trống, điểm trắng về giáo dục trong thời điểm dịch COVID-19 gây ảnh hưởng năng .

Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Tân Long (Đồng Hỷ) mới được đầu tư xây dựng với kinh phí gần 8 tỷ đồng, sẵn sàng đón học sinh vào năm học mới 2020-2021.

Chuẩn bị bước vào năm học mới 2020-2021, ngành GD-ĐT đã “cán đích” sớm về chỉ tiêu xây dựng trường chuẩn quốc gia theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015-2020, với trên 84% các trường học đạt chuẩn (vượt trên 4% so với chỉ tiêu Nghị quyết). Đặc biệt, các địa phương đã huy động nhiều nguồn lực đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng hệ thống trường lớp kiên cố và bảo đảm đạt chuẩn quốc gia, trong đó có trên 50% vốn huy động từ các tài trợ, nguồn lực quyên góp, ủng hộ của nhân dân. Đây chính là nguồn lực quan trọng để toàn xã hội chung tay chăm lo sự nghiệp giáo dục và tạo động lực để tiếp tục nâng cao chất lượng dạy và học trong các trường.   

Đến thời điểm này, 100% số lớp 1 trên địa bàn tỉnh đã sẵn sàng cho chương trình giáo dục phổ thông mới lần đầu tiên được triển khai trong năm học 2020-2021. Công ty CP Sách và Thiết bị trường học tỉnh đã bàn giao trên 23 nghìn bộ sách giáo khoa lớp 1 theo đăng ký của từng trường ngay trong tháng 8 để giáo viên và học sinh nhanh chóng tiếp cận phương pháp dạy và học mới. Sau khi bàn giao sách về với các phụ huynh, học sinh, những ngày này, đội ngũ giáo viên lớp 1 ở các trường tiểu học đã tập trung cho các hoạt động chuyên môn để sẵn sàng triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Đặc biệt, đến thời điểm này, với hơn 200 trường tiểu học toàn tỉnh đã có gần 95% số trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó, hầu hết đội ngũ giáo viên đều đạt chuẩn theo quy định của chương trình giáo dục phổ thông mới. Trước đó, công tác chuẩn bị đội ngũ giáo viên dạy lớp 1 đã được lựa chọn kỹ càng, giáo viên cũng được tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ, tiếp cận, nghiên cứu sách từ sớm và trải nghiệm qua các tiết dạy thử nghiệm. Các trường học cũng đã tận dụng mọi thời gian để giáo viên hoàn thiện kỹ năng, phương pháp giảng dạy.

Để triển khai có hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới cho lớp 1, ngoài việc ưu tiên chuẩn bị đủ đọi ngũ giáo viên chuyên môn, toàn ngành GD-ĐT đã quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, phòng học kiên cố, hiện đại, chính quyền các địa phương cũng đã hỗ trợ tích cực trong việc chuẩn bị đủ phòng học theo tiêu chuẩn 35 học sinh/lớp học, không để phòng học quá tải. Được biết, chuẩn bị cho năm học mới, toàn ngành GD-ĐT đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây mới và kiên cố hóa thêm gần 500 phòng học, trong đó phục vụ cho chương trình giáo dục phổ thông mới của bậc tiểu học là 184 phòng học…

Với sự chuẩn bị tích cực trong điều kiện vừa dạy học vừa phòng, chống dịch, những điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên cơ bản đã sẵn sàng cho một năm học mới. Tin rằng, năm học mới sẽ tạo ra những chuyển biến mới về chất lượng và tạo tiền đề vững chắc cho chương trình giáo dục phổ thông mới cho các lớp học và cấp học những năm tiếp theo.